Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đủ hàn gắn rạn nứt sắc tộc?

Đình Hiệp| 11/08/2015 06:24

(HNM) - Trước sức ép ngày một lớn, cuối tuần qua Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã công bố kế hoạch cải cách sâu rộng gồm 7 điểm; trong đó, đáng chú ý là đề xuất bãi bỏ 3 chức vụ phó tổng thống và 3 chức vụ phó thủ tướng.

Dù phải chờ Quốc hội Iraq thông qua nhưng đây được xem là bước đi quan trọng của ông Haider al-Abadi kể từ khi nhậm chức (hồi tháng 9-2014) đến nay, đặc biệt trong bối cảnh Iraq đang đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng và các phần tử thuộc Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.


Mâu thuẫn sắc tộc khiến Iraq chưa đạt được kết quả trong cuộc chiến chống IS.


Kế hoạch cải cách vừa được nội các Iraq thông qua gồm giảm một số bộ, cơ quan và giảm chi tiêu công; cắt ngay lập tức và toàn diện số nhân viên bảo vệ các quan chức cấp cao như tổng thống, thủ tướng, chủ tịch quốc hội, các bộ trưởng, các nghị sĩ, thống đốc, thành viên ủy ban tỉnh cùng một số quan chức kỳ cựu khác. Các biện pháp được đưa ra cũng giảm những khoản chi tiêu thêm cho 3 chức danh đứng đầu quốc gia cũng như các cơ quan chính phủ khác. Không dừng lại ở đó, Thủ tướng Abadi còn kêu gọi cải cách việc bổ nhiệm quan chức cấp cao. Theo đó luật về hạn ngạch "quan chức" theo đảng phái sẽ được bãi bỏ và mọi bổ nhiệm sẽ dựa trên khả năng và sự chính trực... Bước đi mang tính đột phá tại quốc gia Hồi giáo được Thủ tướng Abadi đưa ra sau làn sóng biểu tình lan rộng khắp thủ đô Baghdad và một số thành phố miền Nam phản đối nạn tham nhũng, dịch vụ công nghèo nàn và nạn thiếu điện tại nhiều thành phố… Đại Giáo chủ Ali al-Sistani, nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất trong thế giới Hồi giáo dòng Shi'ite đã lên tiếng ủng hộ cuộc cải cách sâu rộng này nhằm chống tham nhũng và đạt được công bằng xã hội.

Lên nắm quyền vào tháng 9 năm ngoái khi Iraq rơi vào cuộc xung đột phe phái đẫm máu nhất kể từ khi Mỹ rút quân vào năm 2011 và đối mặt với những bước tiến khó ngăn của IS tự xưng, người kế nhiệm Abadi nhận lãnh "di sản" mà Thủ tướng tiền nhiệm Nuri al-Maliki để lại không hề nhỏ, đó là: Các chính sách không được lòng dân, một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng bất ổn, đẩy Nhà nước Iraq tới bờ vực sụp đổ. Các ý kiến chỉ trích cho rằng nội các tiền nhiệm đã theo đuổi chính sách phe phái thù địch với người Sunni; qua đó kích động các tay súng bộ tộc Sunni nổi dậy và quay sang ủng hộ IS. Bên cạnh đó, hệ thống chính quyền của Iraq từ lâu đã tỏ ra bất lực trước nạn tham nhũng. Iraq hiện có tới 3 phó tổng thống (2 trong số này theo dòng Shia và một là Sunni) và 3 phó thủ tướng (một người Shia, một người Sunni và một người Kurd). Một trong 3 phó thủ tướng là cựu Thủ tướng Nouri al-Maliki đã lên tiếng ủng hộ kế hoạch cải tổ. Vì thế, nhiệm vụ quan trọng của Thủ tướng Abadi là thành lập được một chính phủ đoàn kết dân tộc, với đại diện của các nhóm sắc tộc, tôn giáo chứ không chỉ gồm toàn những người thân cận và theo dòng Shiite như chính phủ của Thủ tướng tiền nhiệm Al-Maliki. Trong bối cảnh đó, kế hoạch cải cách sâu rộng vừa được nội các đương nhiệm thông qua được xem là bước đi cần thiết của Thủ tướng Abadi trong nỗ lực xây dựng một chính phủ đoàn kết toàn dân tộc.

Kể từ khi nhậm chức, Thủ tướng Abadi đã cam kết giải quyết nhiều vấn đề gai góc như chống tham nhũng và tình trạng chia rẽ và phe phái trong chính quyền. Chỉ sau ít tháng tại nhiệm, Thủ tướng Abadi đã sa thải hoặc cho nghỉ hưu hàng loạt chỉ huy cấp cao trong quân đội vì sự yếu kém của các lực lượng vũ trang nước này khiến IS tự xưng lộng hành và chiếm một vùng lãnh thổ rộng lớn ở miền Bắc đất nước, trong đó có thành phố Ramadi - thủ phủ tỉnh Anbar. Thế nhưng, thực tế cho thấy, mâu thuẫn sắc tộc giữa người Hồi giáo Shiite với người Sunni và người Kurd ngày càng trầm trọng mới là nguyên nhân nhức nhối khiến quân đội Iraq mất đi sự chỉ huy thống nhất để có thể đẩy lùi IS. Và, cuộc cải tổ đang diễn ra tại Iraq được cho sẽ cực kỳ khó khăn nếu người Sunni bị thất vọng trên vũ đài chính trị của xứ Ngàn lẻ một đêm; nhất là trong việc đưa đất nước ổn định trở lại.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đủ hàn gắn rạn nứt sắc tộc?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.