(HNM) - Sau gần 10 tháng triển khai thí điểm, dự án vé điện tử trên tuyến buýt nhanh - BRT đã kết thúc. Theo đánh giá của Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cũng như liên danh Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) - Tổng công ty Viễn thông quân đội (Viettel), quá trình thí điểm đã cơ bản đáp ứng các mục tiêu, song để nhân rộng trên toàn bộ mạng lưới xe buýt thì vẫn còn nhiều điểm cần sớm giải quyết.
Đáp ứng cơ bản các mục tiêu
Đầu tháng 8-2019, liên danh Transerco - Viettel kết thúc thí điểm việc sử dụng thẻ vé điện tử thông minh trên toàn tuyến BRT Kim Mã - Yên Nghĩa khiến không ít hành khách ngạc nhiên. Chị Nguyễn Thị Minh Phương, Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (quận Thanh Xuân), một hành khách thường xuyên chọn BRT chia sẻ: “Nhiều người đã quen với việc vào nhà chờ quẹt thẻ rồi lên xe, nay lại phải quay về với tấm vé giấy nên thấy bất tiện. Tôi cũng thắc mắc không biết tại sao phải dừng”?
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị (Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội) cho biết: "Đây là lần thứ 3 thành phố Hà Nội thí điểm thẻ vé điện tử. Hai lần trước (với tuyến buýt số 32 và tuyến 06) đều sử dụng vốn của các nhà tài trợ nước ngoài, nhưng kết quả còn hạn chế. Lần này, tự doanh nghiệp Việt Nam bỏ tiền, thiết kế phần mềm, lắp đặt trang thiết bị và cung cấp thẻ miễn phí cho hành khách".
Theo đánh giá của Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cũng như các chuyên gia của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA, lần thí điểm này, hệ thống vận hành cơ bản đạt được các mục tiêu ban đầu đề ra.
Cụ thể, thời gian giao dịch nhanh, hành khách sau những bỡ ngỡ ban đầu đã thích nghi tốt, từ đó lượng khách sử dụng thẻ vé tăng qua từng tháng; 100% lượng khách được kiểm soát; dữ liệu chuyến đi được cập nhật bảo đảm an toàn, chính xác, phục vụ hiệu quả công tác quản lý của doanh nghiệp cũng như quản lý nhà nước... Quan trọng hơn, hệ thống thẻ vé của BRT được thiết kế tuân thủ khung công nghệ thẻ vé điện tử liên thông của thành phố.
Là đơn vị trực tiếp thực hiện thí điểm, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Transerco Nguyễn Công Nhật nhấn mạnh, mục tiêu của dự án thí điểm nhằm khẳng định về mặt công nghệ, các doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng được. Thứ hai, vé điện tử tạo ra sự văn minh, đồng thời giúp cơ quan quản lý thống kê, từ đó phân tích chính xác nhu cầu đi lại. Với những gì đã đạt được, có thể khẳng định mục tiêu của việc thí điểm đã thành công. Dừng lại chỉ thuần túy là hết thời gian thí điểm để đánh giá về hiệu quả trước khi bàn đến việc nhân rộng trên toàn mạng lưới xe buýt của Thủ đô.
Nhiều vấn đề phải giải quyết
Trước câu hỏi của nhiều người về thời điểm sẽ nhân rộng thẻ vé điện tử trên toàn mạng xe buýt, ông Nguyễn Công Nhật cho rằng, từ thí điểm đến nhân rộng là một bước tiến rất lớn. Điều cần thiết hiện nay là cần có các cơ chế, chính sách cụ thể để doanh nghiệp triển khai.
Trong trường hợp có nhiều doanh nghiệp cùng quan tâm thì việc đấu thầu nhằm bảo đảm yếu tố công khai, minh bạch là đương nhiên, bởi đây là một dịch vụ công. Doanh nghiệp nào có lợi thế về công nghệ, có giải pháp đáp ứng yêu cầu hiệu quả nhất thì sẽ trúng thầu.
Bên cạnh vấn đề công nghệ, cũng cần có chính sách kích cầu để hành khách cảm thấy có lợi khi sử dụng thẻ vé điện tử, từ đó hạn chế sử dụng vé giấy. Ví dụ, nếu mua thẻ được giảm 10-20% so với sử dụng vé giấy thì rõ ràng sẽ có nhiều người lựa chọn.
Tuy nhiên, để đại đa số hành khách sử dụng thẻ vé điện tử thì phải song hành với việc hạn chế dùng tiền mặt của người dân. Còn như thực tế hiện nay thì vẫn phải duy trì song song hai loại vé để không gây xáo trộn.
Phân tích kỹ hơn về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, giai đoạn thí điểm vừa qua là phép thử ban đầu và mới chỉ dừng ở mức độ nghiên cứu từ phía doanh nghiệp; nhiều nội dung vẫn cần hoàn thiện tiếp.
Hơn nữa, việc nhân rộng trên toàn mạng lưới xe buýt sẽ phức tạp hơn nhiều do giữa loại hình BRT và buýt thường có sự khác biệt rất lớn. Về mặt công nghệ sẽ phải giải rất nhiều “bài toán”, đặc biệt là hệ thống kiểm soát vé.
BRT đang là đơn tuyến với 35 xe, phục vụ khoảng 14.000 lượt khách mỗi ngày, trong khi xe buýt có hơn 100 tuyến với gần 2.000 phương tiện hoạt động liên tuyến, phục vụ hơn 1 triệu lượt khách mỗi ngày. Như vậy, lượng thông tin phải xử lý rất lớn, trong khi việc truyền dẫn tín hiệu yêu cầu phải nhanh, chính xác, kịp thời, bảo mật.
Bên cạnh đó, hạ tầng cho xe buýt thường cũng không thuận lợi như với BRT sẽ gây nhiều khó khăn, đặc biệt vào khung giờ cao điểm đòi hỏi phải giải quyết nhằm bảo đảm liên thông toàn hệ thống vận tải hành khách công cộng...
Rõ ràng, việc sớm triển khai thẻ vé điện tử mang lại nhiều lợi ích song vẫn còn nhiều câu hỏi trên thực tế cần được trả lời. Bởi, khi đã đi vào hoạt động, nếu có trục trặc thì không chỉ ách tắc một tuyến, mà sẽ ách tắc cả hệ thống, gây xáo trộn rất lớn đến dịch vụ vận tải hành khách công cộng này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.