Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dự án Luật Kiến trúc: Xem xét sửa đổi về kỹ thuật lập pháp, văn phong pháp lý

Bảo Hân - Ảnh: Viết Thành| 08/11/2018 10:57

(HNMO) - Sáng 8-11, các đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội tập trung thảo luận về dự án Luật Kiến trúc.

Trưởng đoàn ĐBQH Hà Nội Hoàng Trung Hải đóng góp ý kiến với dự án Luật Kiến trúc.


Góp ý với dự án Luật, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH Hà Nội cho rằng, phạm vi điều chỉnh của Luật gồm quy định về kiến trúc, quản lý kiến trúc và hành nghề kiến trúc.

Về mục 2 Điều 6 quản lý kiến trúc có nêu: "Công trình đã được xếp hạng di tích di sản, danh lam thắng cảnh phải theo Luật Di sản văn hóa", theo đại biểu, về mặt kỹ thuật lập pháp, những nội dung đã được luật khác quy định thì không nêu lại. Điều 7 mục c có quy định "kiến trúc công trình công cộng phải bảo đảm bình đẳng giới" sẽ gây khó hiểu.

Ngoài ra, phần tuyển chọn phương án kiến trúc quy định "tối thiểu 3 phương án" phải xem xét cho phù hợp với thực tiễn, vì tại sao lại là 3 mà không phải là 4 hay 2 phương án? Với những công trình kiến trúc lớn, sẽ thu hút nhiều phương án, nhưng những công trình nhỏ thì sẽ rất khó để có nhiều phương án như vậy. Do đó, đại biểu đề nghị xem xét quy định phù hợp với thực tiễn và tuân thủ theo quy định về đấu thầu.

"Điều 20 dự án Luật quy định "Sở Xây dựng có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề". Luật thường quy định đến cấp bộ, UBND cấp tỉnh, vậy có nên quy định sâu đến cấp sở? Phải chăng nên là UBND cấp tỉnh giao nhiệm vụ đó cho cơ quan có chức năng phù hợp?" - Đại biểu Hoàng Trung Hải góp ý.

Với Điều 26 quy định về chứng chỉ hành nghề của kiến trúc sư nước ngoài, theo đại biểu, các kiến trúc sư này phải có chứng chỉ hành nghề của quốc gia họ, tiếp đó tiến hành thủ tục chuyển đổi và có thể xin chứng chỉ hành nghề Việt Nam.

ĐB Nguyễn Văn Chiến phát biểu.


Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Văn Chiến cho rằng, kiến trúc sư là người nước ngoài vào Việt Nam hoạt động phải có chứng chỉ hành nghề ở nước họ nhưng cũng phải tuân thủ theo quy định của pháp luật Việt Nam, phải đăng ký hoạt động nghề. UBND các tỉnh, thành phố phải nắm bắt được vấn đề này để thực hiện chức năng quản lý.

Về chứng chỉ hành nghề kiến trúc, hiện có 2 quan điểm: Nếu cần có sự kiểm soát, kiểm tra tuân thủ về quy tắc nghề, quy tắc đạo đức thì cần chứng chỉ có thời hạn; song nếu đó là nghề gắn cả đời thì không cần có thời hạn. Đại biểu Chiến đồng tình với quan điểm thứ 2 vì cho rằng, điều quan trọng là điều chỉnh về đạo đức nghề nghiệp kiến trúc sư.

Về các quy định liên quan đến hoạt động nghề cá nhân của mỗi kiến trúc sư, đại biểu Chiến nhận định, Luật không thể quy định về các điều khoản cụ thể của hợp đồng mà chỉ cần quản lý ở góc độ: Cơ sở tính phí, thù lao khi cung cấp dịch vụ về kiến trúc; có bắt buộc phải có hợp đồng hay không để có căn cứ thu thuế.

Cũng theo Đại biểu Chiến, nghề kiến trúc là nghề tự do, hoạt động độc lập, có thu nhập cao. Do vậy, người hành nghề phải tuân thủ quy định của pháp luật, đảm bảo các tiêu chuẩn về đạo đức. Luật Kiến trúc được ban hành yêu cầu các kiến trúc sư phải đăng ký hoạt động nghề, phải cung cấp các dịch vụ, sản phẩm của mình theo sự quản lý của nhà nước, đảm bảo nghĩa vụ nộp thuế.

Để đạt được mục tiêu đó, các quy định trong Luật cần có sự thống nhất, tương đồng, phù hợp với đặc thù của nghề tự do hoạt động độc lập. Đây là nghề chuyên ngành nên cơ quan chủ quản phải phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước. Trong đó, Bộ Xây dựng là cơ quan cấp chứng chỉ hành nghề.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng.


Tập trung phân tích một số quy định của dự án Luật còn nặng về định tính, khó khả thi, đại biểu Bùi Huyền Mai nêu ví dụ về quy chế quản lý kiến trúc, Khoản 1 Điều 12 quy định "quy chế quản lý kiến trúc này phải được cơ quan phê duyệt xem xét, rà soát đánh giá quá trình thực hiện để kịp thời điều chỉnh phù hợp với quy hoạch xây dựng và tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn".

Theo đại biểu, về thời hạn xem xét điều chỉnh, trong thực tiễn hiện nay, việc không quy định rõ thời hạn điều chỉnh sẽ rất dễ đến việc thực hiện tùy tiện.

Góp ý với Điểm c Khoản 3 về điều kiện điều chỉnh quy chế quản lý kiến trúc, đại biểu đề nghị xem lại vì hoàn toàn mang tính định tính, không có định lượng khi quy định "quy chế không thực hiện được hoặc việc triển khai thực hiện gây ảnh hưởng xấu đến phát triển triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, an sinh xã hội môi trường sinh thái của địa phương". Quy định như vậy không rõ và khó triển khai trong thực tiễn khi xác định căn cứ điều chỉnh quy chế quản lý kiến trúc.

Với Điều 13 về Hội đồng kiến trúc Quốc gia, đại biểu Bùi Huyền Mai cũng nhận xét là mang tính "tùy nghi" và không có căn cứ thực hiện vì có thể khi nào Thủ tướng Chính phủ thấy cần thiết, sẽ thành lập Hội đồng kiến trúc Quốc gia của một số công trình kiến trúc quan trọng do Thủ tướng Chính phủ quy định, còn không thì sẽ không thành lập.

ĐB Nguyễn Quốc Hưng cũng đồng tình với quan điểm của ĐB Bùi Huyền Mai.

"Hội đồng kiến trúc Quốc gia cần phải được thành lập cố định, để đưa ra cái nhìn đặc trưng, xuyên suốt, ổn định chứ không thể khi cần thì lập, khi không thì thôi" - ĐB Nguyễn Quốc Hưng nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án Luật Kiến trúc: Xem xét sửa đổi về kỹ thuật lập pháp, văn phong pháp lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.