Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dự án 300 tỷ, tốn thêm 250 tỷ "khắc phục sự cố": Nguy cơ bị vùi lấp

Theo vietnamnet| 05/10/2017 17:56

Dự án san nền, đường giao thông, thoát nước khu tái định cư (TĐC) Chi Luông, thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên có tổng mức đầu tư hơn 300 tỷ. Thế nhưng, khi công trình cơ bản hoàn thành thì xảy ra sự cố, đe dọa đến an toàn của hàng loạt công trình lớn, nếu xử lý tốn thêm hơn 250 tỷ đồng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả rà soát các nội dung chi, mức chi của các hạng mục khắc phục sự cố công trình san nền, đường giao thông và thoát nước khu tái định cư Mường Luông, thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên.

Dự án San nền, đường giao thông, thoát nước khu TĐC Chi Luông, thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên được khởi công xây dựng đầu tháng 10-2015 và thực hiện cơ bản hoàn thành cuối tháng 12-2015.

Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 300 tỷ.

Nhiều công trình ở Mường Lay bị đe dọa trước nguy cơ sạt lở. Ảnh: TTXVN


Thế nhưng, khi công trình cơ bản hoàn thành thì xảy ra sự cố trượt mái taluy dương, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn cho các công trình phía chân taluy như: Trung tâm Hội nghị văn hóa thị xã Mường Lay, UBND thị xã Mường Lay, sân vận động thị xã... Những công trình này có nguy cơ bị đất đá vùi lấp nếu xảy ra sự cố sạt lở.

Nguyên nhân ban đầu được xác định là do địa chất khu vực này phức tạp, cộng thêm lỗi thiết kế ban đầu khiến cho toàn bộ công trình này được đặt vào tình trạng đặc biệt nguy hiểm, phân cấp sự cố cấp độ III, đặc biệt nguy hiểm.

Trước mức độ khẩn cấp của sự việc, từ năm 2016, UBND tỉnh Điện Biên cũng đã có báo cáo xin ý kiến và chủ trương xử lý của Bộ Xây dựng, Thủ tướng Chính phủ đồng thời thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, mời các chuyên gia đến khảo sát thực tế tại hiện trường và lập phương án khắc phục sự cố.

Điều đáng nói, tổng mức đầu tư của dự án ban đầu chỉ là hơn 300 tỷ. Nhưng vì sự cố nguy hiểm này nên phải dùng thêm số tiền ước tính lên tới hơn 250 tỷ để xử lý.

Như vậy, từ mức hơn 300 tỷ, tổng mức đầu tư dự án đã lên đến hơn 566 tỷ đồng.

Theo UBND tỉnh Điện Biên, số tiền 250 tỷ để khắc phục sự cố được lấy từ nguồn vốn còn dư sau quyết toán Dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La trên địa bàn tỉnh là hơn 36 tỷ, vốn dự phòng còn lại của Dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La trên địa bàn tỉnh là hơn 57 tỷ, còn lại 158 tỷ là từ vốn dự phòng ngân sách trung ương.

Thế nhưng, cho ý kiến về nội dung này, Bộ Tài chính chỉ đồng tình với việc nguồn vốn khắc phục sự cố lấy từ vốn còn dư sau quyết toán của dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La trên địa bàn tỉnh và vốn dự phòng của dự án là khoảng 94 tỷ. Còn nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2017 chỉ dùng 50 tỷ đồng (con số Điện Biên đề xuất là 158 tỷ).

“Số vốn còn lại tỉnh chủ động sử dụng ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện”, Bộ Tài chính nêu ý kiến.

Quan điểm của Bộ Tài chính nhận được sự đồng tình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ đồng tình việc nguồn vốn khắc phục sự cố lấy từ vốn còn dư sau quyết toán của dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La trên địa bàn tỉnh và vốn dự phòng của dự án là hơn 94 tỷ. Còn nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2017 chỉ dùng 50 tỷ đồng. Số vốn còn lại sẽ cân đối, bố trí từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương khi có điều kiện về nguồn vốn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý UBND tỉnh Điện Biên cần “nghiêm khắc rút kinh nghiệm” và “kiểm điểm các tổ chức, cá nhân” có liên quan đến sự cố công trình theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng tại văn bản số 1798 ngày 11-10-2016.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án 300 tỷ, tốn thêm 250 tỷ "khắc phục sự cố": Nguy cơ bị vùi lấp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.