(HNM) - Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và việc xác định ba khâu đột phá của Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016 vừa được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng công bố trong bài viết vừa được các đài, báo đăng tải.
Bài viết của Thủ tướng có nội dung liên quan đến cả nước, nhưng với Hà Nội, đó cũng là định hướng cho quá trình phát triển của Thủ đô trong thời kỳ CNH, HĐH. Những vấn đề được đề cập trong các văn kiện trên rất đa dạng, phong phú, ở đây chỉ xin bàn vấn đề khai thác nguồn nhân lực của Hà Nội như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất.
Trong bài viết của mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xác định ba đặc điểm kinh tế của thời đại ta đang sống là: 1) Khoa học, công nghệ phát triển rất nhanh, rất mạnh, 2) Toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, 3) Tình trạng cạn kiệt dần các nguồn tài nguyên không tái tạo được. Những đặc điểm trên đòi hỏi phải thay đổi mô hình phát triển từ chủ yếu dựa vào vốn và tài nguyên thiên nhiên, nhân lực rẻ nhưng chất lượng thấp sang nền kinh tế tri thức dựa trên chất lượng lao động cao, trình độ quản lý cao. Muốn có điều đó, nhân tố trung tâm là con người, thể hiện cụ thể là lao động chất lượng cao. Bởi vậy, trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ này, Chính phủ xác định phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn kết chặt chẽ với ứng dụng và phát triển công nghệ là một đột phá chiến lược, là nhân tố quyết định, là khâu quan trọng nhất trong ba khâu đột phá, có vai trò chi phối các khâu đột phá khác.
Có thể khẳng định Thủ đô vừa có rất nhiều điều kiện thuận lợi đồng thời cũng đang tiềm ẩn những thách thức to lớn về nhân lực. Giải quyết tốt vấn đề nhân lực chính là một khâu đột phá quan trọng nhất để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết của Thành ủy, đưa Hà Nội trở thành một thành phố, một địa phương gương mẫu, đi đầu của cả nước.
Nếu xét về nguồn nhân lực chất lượng cao, có lẽ không đâu bằng Hà Nội. Thủ đô hiện nay là nơi đóng trụ sở của các cơ quan Trung ương Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các đoàn thể xã hội nơi tập trung với mật độ rất cao các trí tuệ hàng đầu của đất nước. Hà Nội còn có hàng trăm viện nghiên cứu, hàng trăm trường đại học và cao đẳng, hàng nghìn trường cấp phổ thông, chưa kể các trung tâm trí thức khác. Ngoài lực lượng tại chỗ, Hà Nội còn có sức hút mạnh mẽ các nguồn chất xám từ khắp nơi trong cả nước về hội tụ. Lực lượng lao động chất lượng cao của Hà Nội còn được bổ sung dồi dào từ truyền thống hiếu học, lao động trí óc của người dân thành phố. Theo thống kê đáng tin cậy, Hà Nội còn có trên nửa triệu người từ các địa phương lân cận về kiếm sống. Đây là nguồn lực lao động và trí tuệ to lớn nếu biết tổ chức, khai thác tốt. Tuy nhiên, Hà Nội cũng gặp những trở ngại rất lớn trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Sau khi mở rộng địa giới hành chính, dân số Hà Nội tăng lên 6,5 triệu người, gấp 3 lần trước đây, tương lai không xa sẽ lên 9 triệu người. Mật độ dân số rất cao, nhiều điểm cụ thể cao nhất thế giới là một thách thức rất lớn cho công tác giáo dục. Việc mở rộng địa giới hành chính cũng thu nạp vào Hà Nội một lượng lao động chất lượng thấp rất lớn. Quá trình đô thị hóa và phát triển công nghiệp cũng đặt ra nhiều trở ngại xã hội về mặt nhân lực.
Rất phấn khởi là có sự thống nhất cao độ giữa ba khâu đột phá của Chính phủ với các chủ trương lớn của Đảng bộ, chính quyền thành phố trong trước mắt cũng như lâu dài. Cùng với mục đích đào tạo lâu dài, việc sắp xếp lại lao động trong thành phố, khuyến khích chất xám phát triển, thu hút được nguồn lao động từ nhiều nơi, đồng thời đào tạo nguồn lao động chất lượng cao cho nhiều nơi là trách nhiệm đồng thời cũng là lợi ích của Thủ đô. Nhân lực tuy còn nhiều trở ngại nhưng là lợi thế quan trọng nhất của Hà Nội. Mở khâu đột phá và phát huy thế mạnh từ đây, nhất định việc xây dựng một Thủ đô văn minh, hiện đại sẽ sớm thành công.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.