(HNM) - Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng như hiện nay, việc nắm bắt thông tin, giải quyết thủ tục xuất, nhập hàng hóa nhanh gọn có ý nghĩa rất quan trọng...
Tính đến nay, đã có 11 bộ, ngành kết nối và thực hiện 53 thủ tục hành chính với gần 1,26 triệu hồ sơ của 22 nghìn doanh nghiệp được xử lý thông qua cơ chế một cửa quốc gia. Đặc biệt, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới về môi trường kinh doanh năm 2017, thời gian thông quan trực tiếp tại cửa khẩu của Việt Nam đối với hàng xuất khẩu giảm 3 giờ, xuống còn 55 giờ; đối với hàng nhập khẩu giảm 6 giờ, xuống còn 56 giờ.
Có thể thấy, kết quả trên phản ánh nỗ lực cải cách thủ tục hành chính của các bộ, ngành trong lĩnh vực giao lưu hàng hóa qua biên giới. Tuy vậy, so với yêu cầu tại Quyết định số 2185/2016/QĐ-TTg ngày 14-11-2016 của Thủ tướng về việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể triển khai cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2016-2020, số lượng thủ tục triển khai còn thấp, mới chỉ đạt 53/283 thủ tục. Điều đó cho thấy, việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia vẫn còn hạn chế. Chẳng hạn, khi thực hiện một số thủ tục thông qua cơ chế một cửa quốc gia, bên cạnh việc gửi hồ sơ điện tử, tình trạng các doanh nghiệp được yêu cầu phải xuất trình hồ sơ, chứng từ giấy còn diễn ra khá phổ biến. Thậm chí, còn nhiều yêu cầu về thông tin chứng từ dư thừa, chồng chéo giữa các cơ quan...
Chính phủ đã đặt mục tiêu đến hết năm 2019, triển khai các thủ tục hành chính có số lượng giao dịch nhiều, tác động lớn tới hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức và người dân đạt ít nhất 80% trên tổng số các thủ tục hành chính của các bộ, ngành có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, quá cảnh hàng hóa, người và phương tiện thông qua cơ chế một cửa quốc gia. Đến hết năm 2020, 100% các thủ tục hành chính thực hiện cơ chế một cửa quốc gia thu phí, lệ phí bằng phương thức điện tử.
Để có thể triển khai đầy đủ, hiệu quả cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN trong thời gian tới phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong việc rà soát, đề xuất, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp lý, đặc biệt là xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý cho hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Song song với đó là phải đổi mới phương pháp thực hiện, đặc biệt là phương pháp kiểm tra chuyên ngành theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, giảm chi phí, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa. Đồng thời, các bộ, ngành cũng cần ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, nguồn lực, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành.
Ngược lại, về phía doanh nghiệp, một trong những trở ngại của doanh nghiệp khi thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN là chuyển đổi phương thức thực hiện thủ tục hành chính từ thủ công sang phương thức điện tử. Để khắc phục vấn đề này, doanh nghiệp phải chủ động chuẩn hóa, chuyên nghiệp hóa trong việc chuẩn bị hồ sơ, sử dụng phương thức điện tử trong giao dịch với các cơ quan quản lý nhà nước khi thực hiện thủ tục hành chính...
Lộ trình triển khai đã rõ ràng, điều cần thiết là phải có những giải pháp, hành động mang tính đột phá, thực chất hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.