(HNM) - Tại cuộc họp giữa Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam với Bộ NN&PTNT, theo cung cấp của đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2012, dư nợ cho vay đối với sản xuất cá tra đạt trên 38.000 tỷ đồng. Số dư nợ trên cho hơn 6.000 hộ nuôi và hơn 250 DN vay. Như vậy, chỉ tính từ sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (công văn 1149, ngày 8-8-2012) về chính sách tín dụng cho thủy sản và chăn nuôi, dư nợ cho vay đối với hộ nuôi, chế biến cá tra lên tới trên 10.300 tỷ đồng.
Sau cuộc họp này, một số cơ quan liên quan đã có những ý kiến khác biệt, nơi cho rằng số dư nợ là hơn 38.000 tỷ đồng, nơi lại nói con số đó chỉ chưa đến 21.000 tỷ đồng. Chưa có kết luận cuối cùng nhưng rõ ràng, hàng chục nghìn tỷ đồng là số tiền không nhỏ, có thể giúp cho nhiều DN, hộ gia đình vượt qua "cơn bĩ cực".
Song vấn đề ở chỗ, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng cần kiểm tra lại những con số nêu trên. Lý do là: "Con số này quá lớn, nếu có thì các DN đã không phải bán tháo cá tra. Hơn nữa, cơ cấu nuôi trồng là DN nuôi 70%, còn dân nuôi 30%. Trong số hộ dân nuôi cá, phần lớn là các hộ có tiền, nên tỷ lệ vay ngân hàng rất ít, còn hộ nuôi nhỏ lẻ thì gần như không vay được vốn. Con số 6.000 hộ nuôi cá tra được vay vốn sản xuất cũng không thể có". Tóm lại, ở đây có sự nghi ngờ: Việc xuất tiền cho vay đã không tới được đối tượng cần vay. Và Bộ NN&PTNT đã báo cáo Chính phủ để kiểm tra, xác minh về vấn đề này. Đây là việc làm hết sức cần thiết. Một số chính sách của Chính phủ ban hành trong thời gian qua nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN, nhằm duy trì và phát triển sản xuất trong đó đặc biệt chú trọng tới việc tạo điều kiện cho các DN tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, song như phản ánh của các DN thì từ cơ chế, chính sách tới thực tế là… cả một quãng đường.
Trong hai ngày 18 và 19-12 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn công tác của Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo hai thành phố đầu tàu của cả nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cùng các đơn vị liên quan để tìm cách "phá băng" thị trường bất động sản. Nhiều giải pháp đã được đưa ra như giải quyết vấn đề nợ xấu trong thị trường bất động sản (chiếm khoảng 70% trong số 200.000 tỷ đồng); hỗ trợ người mua nhà vay vốn với lãi suất ưu đãi; cơ cấu lại các dự án bất động sản; chuyển đổi một số dự án xây dựng nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội… Dự tính sẽ có hàng trăm nghìn tỷ đồng được"bơm" vào để cứu thị trường bất động sản. Điều đó đồng nghĩa với tầm ảnh hưởng của cơ chế, chính sách này sẽ lớn gấp hàng chục lần việc trợ giúp DN và người chăn nuôi thủy sản (cụ thể là cá tra) vượt khó. Vậy nên, để cơ chế, chính sách phát huy hiệu quả trong thực tế cuộc sống thì việc triển khai thực hiện là rất quan trọng. Sự hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước có tới được đúng đối tượng thì cơ chế, chính sách mới phát huy được tác dụng. Nói cách khác, là đồng tiền bỏ ra phải đúng chỗ thì mới có ý nghĩa…
Trong hoàn cảnh nền kinh tế của ta còn eo hẹp, có được đồng tiền là không đơn giản. Tiền ngân sách quốc gia cũng không phải là từ "trên trời rơi xuống", muốn chi tiêu ra sao cũng được. Và đã, đang cũng như sẽ có những cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ đưa đồng tiền đến đúng nơi cần thiết. Vấn đề là phải có phương pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ để những cơ chế, chính sách chuẩn mực có thể phát huy hiệu quả tối đa. Móc xích liên quan từ chuyện hàng chục nghìn tỷ đồng giải cứu các DN, hộ gia đình nuôi cá tra cho tới việc sẽ "bơm" hàng trăm nghìn tỷ đồng giải cứu thị trường bất động sản là như vậy.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.