(HNMO) - Ngành Hàng không chỉ mới đang trên đà phục hồi chậm chạp sau ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, giá xăng dầu tăng lên mức cao nhất trong lịch sử đang gây áp lực rất lớn lên các hãng hàng không khiến thu không đủ bù đắp chi phí. Nếu không có các biện pháp hỗ trợ kịp thời, dòng tiền của ngành Hàng không sẽ bị cạn kiệt sau thời gian dài “ngủ đông”. Đó là nhận định của ông Nguyễn Vũ Hoàng, Giám đốc Tiếp thị truyền thông Vietravel Airlines với phóng viên Báo Hànộimới.
- Là hãng hàng không kết hợp lữ hành, Vietravel đánh giá như thế nào về triển vọng phục hồi của hoạt động hàng không, du lịch sau khi Việt Nam mở cửa du lịch?
- Từ ngày 15-3, Việt Nam chính thức mở cửa lại các hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, với mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế, 60 triệu lượt khách du lịch nội địa trong năm 2022. Cũng trong ngày 15 và 16-3, các bộ, ngành liên quan đã công bố chính sách, quy định dành cho khách quốc tế khi nhập cảnh và lưu trú tại Việt Nam. Nhìn chung, các chính sách mới này sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các địa phương và các doanh nghiệp đón khách quốc tế, phục hồi du lịch.
Thêm vào đó, theo báo cáo từ công cụ phân tích dữ liệu du lịch Google Destination Insights, lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch và hàng không Việt Nam tăng mạnh từ đầu tháng 12-2021 đến nay.
Đặc biệt, từ đầu tháng 1-2022 đến nay, lượng tìm kiếm quốc tế về hàng không Việt Nam duy trì ở mức cao, thậm chí có thời điểm tăng 425% so với cùng kỳ 2021. Đây là những tín hiệu rất tích cực.
- Giá nhiên liệu bay đang tăng lên mức kỷ lục tác động thế nào đến hoạt động hàng không nói chung và “tân binh” Vietravel Airlines nói riêng, thưa ông?
- Theo nhận định của Vietravel Airlines, những khó khăn đối với ngành Hàng không vẫn chưa kết thúc. Ngành Hàng không sẽ tiếp tục đối mặt với những khó khăn khác như chi phí nhiên liệu tăng; kinh tế có khả năng phục hồi chậm khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu hơn.
Vietravel Airlines đang xây dựng kế hoạch với giá nhiên liệu Jet-A1 dao động từ 83 đến 90 USD/thùng. Tuy nhiên, đến ngày 15-3, giá nhiên liệu bay Jet-A1 đã tăng lên 168,5 USD/thùng, tức gần gấp đôi giá nhiên liệu theo kế hoạch. Với mức giá trên, chi phí nhiên liệu của hãng đã đội lên thêm 9-10 tỷ đồng/tháng, tăng trung bình khoảng 25% so với trung bình các tháng trước. Nếu giá nhiên liệu tiếp tục duy trì hoặc tăng lên thì doanh thu của hãng cũng như các hãng hàng không khác sẽ không bù đắp được chi phí nhiên liệu bay, chưa nói đến các định phí khác.
- Vietravel Airlines và các hãng hàng không đã có những kiến nghị gì nhằm từng bước vượt qua khó khăn?
- Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài đã tác động tiêu cực đến mọi mặt của nền kinh tế - xã hội. Cho đến thời điểm hiện tại, dòng tiền của toàn ngành Hàng không đang bị cạn kiệt sau thời gian dài “ngủ đông”. Nếu không có sự hỗ trợ, giải cứu kịp thời của Nhà nước, các doanh nghiệp chắc chắn sẽ gặp rủi ro thanh khoản như nợ ngắn hạn, nợ nhà cung cấp, trả lương cho người lao động...
Chính vì thế, Vietravel Airlines kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh gói hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp hàng không (không kể hãng hàng không Nhà nước hay tư nhân). Tung gói hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp hàng không vay với mức lãi suất 0% hoặc lãi suất ưu đãi với thời gian trả nợ dài hạn 3-5 năm; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho năm 2022, giảm thuế VAT xuống mức 5% để kích thích thị trường.
Chi phí nhiên liệu bay đối với hãng hàng không chiếm tỷ trọng lớn, hơn 30% trên tổng chi phí hoạt động khai thác. Vì vậy, để hỗ trợ các hãng hàng không vượt qua khó khăn, chúng tôi kiến nghị các bộ, ngành liên quan xem xét điều chỉnh giảm mức thuế nhập khẩu đối với nhiên liệu hàng không xuống 0% (so với mức 7% hiện nay). Đồng thời, cũng điều chỉnh giảm thuế môi trường về 1.000 đồng/lít. Thời gian áp dụng kiến nghị từ nay cho đến hết năm 2022.
Ngoài ra, Vietravel Airlines cũng kiến nghị hỗ trợ giảm 50% giá dịch vụ ngành Hàng không (dịch vụ điều hành bay đi, đến; cất hạ cánh tàu bay; phí đậu tàu bay; giá thuê quầy check in, mặt bằng, kho bãi… tại các cảng hàng không sân bay); bổ sung điều khoản cho phép hãng hàng không được chủ động áp dụng phụ thu nhiên liệu đối với các đường bay nội địa nếu giá Jet-A1 tăng cao từ 100 USD/thùng trở lên.
Chúng tôi kỳ vọng, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét và phê duyệt những kiến nghị để có thể giảm bớt gánh nặng tài chính cho ngành Hàng không trong bối cảnh hiện tại để ngành có thể dần hồi phục trong năm 2022.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.