(HNM) - Ngày 3-11, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã chủ trì cuộc họp với đại diện các bộ, ngành TƯ về việc điều chỉnh giờ làm việc, học tập, góp phần giảm ùn tắc giao thông.
Đại diện các bộ, ngành đều nhất trí phải quyết tâm điều chỉnh về thời gian làm việc, học tập để giãn lượng người, phương tiện tham gia giao thông vào cùng thời điểm. Tuy nhiên, phương án điều chỉnh cần hạn chế thấp nhất ảnh hưởng, xáo trộn cuộc sống người dân.
Phương án điều chỉnh giờ làm việc và học tập sẽ hạn chế ùn tắc giao thông ở Hà Nội.Ảnh: Bá Hoạt
Theo nghiên cứu của Sở GT-VT, giờ cao điểm thường xảy ra ùn tắc giao thông trên các trục, nút giao thông từ 6h30 đến 8h30 và từ 16h30 đến 18h30. Nguyên nhân gây ra ùn tắc vào thời điểm trên là do người, phương tiện tham gia giao thông lớn. Xét về đối tượng tham gia giao thông thời điểm đó, Sở GT-VT cho biết, học sinh, sinh viên, công chức, viên chức chiếm tỷ lệ lớn. Thống kê cho thấy, ở thành phố hiện có 685 trường tiểu học, 594 trường trung học cơ sở, 194 trường phổ thông trung học, 839 trường mầm non và 144 trường đại học, cao đẳng với hơn 1,3 triệu học sinh, sinh viên. Số cán bộ, công chức đang sống, làm việc tại Hà Nội là khoảng 350.000 người. Do giờ học, làm việc của hai nhóm đối tượng trên hiện khá gần nhau nên cùng thời điểm đầu giờ sáng, cuối giờ chiều, lượng người, phương tiện sẽ tăng mạnh trên các tuyến phố. Việc điều chỉnh giờ học, làm việc là cần thiết để giãn mật độ phương tiện tập trung cùng lúc trên các tuyến phố, góp phần hạn chế ùn tắc giao thông.
Trên cơ sở nghiên cứu thực tế, cũng như góp ý của các sở, ngành liên quan, thành phố đề xuất học sinh các trường phổ thông trung học, sinh viên sẽ vào học từ 7h và 13h, tan trường lúc 12h và 18h; công chức, viên chức, học sinh mầm non, tiểu học sẽ bắt đầu học, làm việc từ 8h, kết thúc lúc 17h. Sở dĩ giờ của công chức, viên chức và học sinh mầm non, tiểu học giống nhau để thuận lợi cho việc đưa đón, không làm xáo trộn sinh hoạt hằng ngày. Các trung tâm thương mại, cơ quan dịch vụ, tài chính, ngân hàng… sẽ mở cửa sau 9h và đóng cửa sau 19h. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giờ sẽ chỉ thực hiện ở 10 quận nội thành và huyện Thanh Trì, Từ Liêm, nơi tập trung nhiều cơ quan, công sở, trường học và có mật độ phương tiện giao thông lớn. Để đáp ứng nhu cầu đi lại khi điều chỉnh giờ, hệ thống xe buýt cũng sẽ kéo dài thời gian hoạt động trong khung giờ cao điểm, sáng từ 6h đến 9h, chiều từ 16h đến 19h. Ngoài ra, trên cơ sở thực tế, Sở Giáo dục và Đào tạo có thể điều chỉnh cục bộ giờ học, tan lớp của từng trường để bảo đảm ít ảnh hưởng nhất đến học sinh, phụ huynh…
Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành đều khẳng định sự đồng thuận với phương án thành phố đề ra. Phó Chánh văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Đình Mạnh cho biết ủng hộ Hà Nội trong việc điều chỉnh giờ làm. Theo đó, việc điều chỉnh là cần thiết, nhưng phải nghiên cứu hạn chế tối đa ảnh hưởng, xáo trộn trong đời sống, sinh hoạt của nhân dân. Ông Mạnh kiến nghị, cần nghiên cứu, quan tâm đến thời gian làm việc của số lượng giáo viên. Ngoài ra, cần cân nhắc xem xét thêm giờ học của học sinh, sinh viên bởi phương án đưa ra khá sát với giờ làm của công chức, viên chức. Đại diện Bộ Quốc phòng cũng khẳng định cơ bản nhất trí với phương án điều chỉnh giờ học của Hà Nội, nhưng kiến nghị giờ học của học sinh, sinh viên nên sớm hơn, từ 6h30 đến 11h30 và từ 13h30 đến 18h30. Ý kiến này được đại diện Bộ Công thương ủng hộ với quan điểm, học sinh phổ thông trung học, sinh viên khá độc lập và nếu thời gian giãn cách tương đối mới giảm được lượng phương tiện ra đường cùng lúc. Vị này còn kiến nghị, các trường mầm non, tiểu học tổ chức thêm dịch vụ đón học sinh sớm, trả muộn để tạo điều kiện cho phụ huynh yên tâm công tác. Thống nhất với đề xuất điều chỉnh giờ, nhưng Cục phó Cục An toàn lao động (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Phạm Gia Lượng kiến nghị nghiên cứu có giờ học, làm việc mùa hè, mùa đông khác nhau để bảo đảm về yếu tố sinh học, sức khỏe.
Thứ trưởng Bộ GT-VT Lê Mạnh Hùng cho biết, mỗi ý kiến đưa ra đều có lý riêng. Thay đổi thói quen là điều không dễ, Bộ GT-VT, mong muốn có sự điều chỉnh giãn cách lớn để bảo đảm hạn chế ùn tắc. Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi cho biết những ý kiến đóng góp cụ thể về điều chỉnh giờ cho từng đối tượng, thành phố sẽ nghiêm túc tiếp thu, nghiên cứu, tổng hợp, sớm hoàn thành, trình báo cáo theo yêu cầu của Chính phủ.
Tháng 12-2011, Sở GT-VT phải trình đề án hạn chế phương tiện cá nhân (HNM) - UBND TP Hà Nội vừa có văn bản số 9481/UBND-GT gửi Sở GT-VT yêu cầu khẩn trương xây dựng đề án hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông ở thành phố theo tinh thần Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24-8-2011 của Chính phủ. Theo đó, giao Sở GT-VT kiểm tra, khảo sát, tính toán cơ sở khoa học, thực tiễn để xây dựng đề án, báo cáo UBND thành phố lần đầu trong tháng 12-2011. Trước đó, ngày 24-10, Bộ GT-VT đã có văn bản số 6826/BGTVT-VT gửi UBND TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đề nghị thành lập ban xây dựng đề án hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông, hoàn thành, gửi đề án về Bộ GT-VT trước ngày 15-1-2012. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.