Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đồng thuận và trách nhiệm

Thế Phương| 27/01/2012 06:50

(HNM) - "Mùa hè 100% học sinh nghỉ học nhưng Hà Nội vẫn tắc đường… Việc đổi giờ không phải là chiếc đũa thần để giảm ùn tắc giao thông…", đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định tại hội nghị quán triệt thực hiện Quyết định số 315/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc điều chỉnh giờ học tập, làm việc và kinh doanh - bắt đầu thực hiện từ đầu tháng 2.

Điều này phản ánh đúng một phần thực tế bởi nạn ùn tắc giao thông đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người dân Hà Nội. Tắc đường và hệ lụy của nó thế nào, có lẽ không cần phải nói thêm.

Gần đây với quyết tâm cao, Bộ GTVT , UBND TP Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm đẩy lùi vấn nạn này. Trong đó, quyết định về thay đổi giờ học, giờ làm việc, giờ kinh doanh trên địa bàn của UBND TP Hà Nội và mới đây, Bộ Giao thông vận tải đề xuất thu phí ô tô đi vào trung tâm thành phố trong giờ cao điểm, được kỳ vọng là giải pháp tích cực, góp phần giảm thiểu tình trạng tắc đường hiện nay. Cũng có thể nói thêm đây chỉ là hai trong số nhiều giải pháp sẽ được thực hiện quyết liệt, đồng bộ trong thời gian tới.

Việc thay đổi giờ học tập, làm việc trên địa bàn thành phố không chỉ ảnh hưởng đến thời gian biểu của hàng vạn học sinh sinh viên, cán bộ công chức, người lao động mà còn tác động không nhỏ tới hoạt động của các trường học từ mầm non tới đại học. Đó là một thực tế. Cũng phải khẳng định rằng, từ lâu vấn đề này đã được nêu ra trước công luận, được bàn thảo kỹ, các cơ quan chức năng của thành phố đã khảo sát lên phương án và đề án đã được Chính phủ phê duyệt. Thành phố cũng đã đưa ra nhiều giải pháp như điều chỉnh thời gian, tăng tần suất xe buýt… Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho rằng trong quá trình thực hiện sẽ thường xuyên rút kinh nghiệm, điều chỉnh. Như vậy, có thể thấy lúc này không còn là nêu khó khăn, bởi thực tế ai cũng hiểu, vấn đề là sự sẻ chia và tìm giải pháp thực hiện.

Giải pháp thu phí ô tô vào trung tâm thành phố giờ cao điểm cũng đang "làm nóng" dư luận, được bàn thảo khắp nơi từ cơ quan công sở đến các quán nước vỉa hè. Nhiều vấn đề được đặt ra như: Việc thu phí như vậy có thật sự mang lại hiệu quả trong thực tế hạ tầng giao thông xuống cấp hiện nay, cũng như nỗi lo lắng về hệ thống giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Rồi việc đặt các trạm thu phí ở đâu cũng là bài toán khó, bởi ô tô chỉ dừng nửa phút là có thể xảy ra ùn tắc… Những trăn trở, toan lo phần nào thể hiện trách nhiệm của mỗi người đối với những vấn đề bức xúc của toàn xã hội. Và thành phố cũng rất cần sự khẳng định trách nhiệm của mỗi công dân bằng những việc làm cụ thể, thiết thực với sự đồng thuận và quyết tâm cao nhằm đẩy lùi nạn ùn tắc giao thông như thứ bệnh kinh niên của đô thị.

Không có "chiếc đũa thần" nào có thể làm "biến mất" nạn tắc đường. Tất cả chỉ có thể giải quyết bằng tư duy của con người, biểu hiện sinh động nhất là các giải pháp hiệu quả tích cực của cơ quan chức năng và trách nhiệm của mỗi công dân trước các vấn đề chung của toàn xã hội. Trước đây, nhiều giải pháp đã được đưa ra, được thực hiện nhưng chưa mang lại hiệu quả tích cực. Vì sao như vậy? Vì thiếu đồng bộ, vì thiếu quyết liệt, thực hiện theo kiểu "đánh trống bỏ dùi"… Vấn nạn ùn tắc giao thông là nỗi bức xúc không của riêng ai, khi các cơ quan chức năng đã hình thành giải pháp đồng bộ, với thái độ vào cuộc quyết liệt, nỗi bức xúc ấy cần chuyển thành sự đồng thuận để cùng giải quyết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng thuận và trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.