(HNM) - Chương trình 06-CTr/TU và Chương trình 07-CTr/TU của Thành ủy là hai chương trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Thông qua thực hiện, hai chương trình đã tạo sự đột phá về phát triển quy hoạch, hạ tầng đô thị, môi trường - động lực để phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Đây là đánh giá của Thành ủy tại hội nghị tổng kết hai chương trình sáng 18-6. Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 06 và 07 Nguyễn Thế Thảo; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng dự và chỉ đạo hội nghị.
Thủ đô Hà Nội ngày càng văn minh và hiện đại. Ảnh: Anh Tuấn |
Cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu
Trước yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, nhất là sau khi Thủ đô Hà Nội được mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết 15 của Quốc hội, Thành ủy đặc biệt coi trọng công tác phát triển quy hoạch, hạ tầng đô thị, quản lý đô thị, môi trường và đã ban hành Chương trình 06, 07. Ngay sau đó, Ban Chỉ đạo hai chương trình đã chỉ đạo UBND thành phố, các cơ quan chức năng triển khai thực hiện, xây dựng các chương trình nhánh, kế hoạch cụ thể từng ngành, lĩnh vực gắn với phát triển KT-XH. TP Hà Nội đã tập trung hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồng bộ chiến lược, Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH Thủ đô, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Hà Nội cũng đã hoàn thành các quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch nông thôn mới, cơ bản hoàn thành các quy hoạch phân khu, quy hoạch chung các huyện, thị xã, thị trấn, các đô thị vệ tinh. Nhìn chung, khối lượng đồ án quy hoạch, tỷ lệ phủ kín quy hoạch vượt trội so với 13 năm triển khai quy hoạch chung được Thủ tướng phê duyệt năm 1998. Tầm nhìn và chất lượng quy hoạch được bảo đảm, tạo điều kiện cho đầu tư phát triển, góp phần tăng trưởng kinh tế của Thủ đô.
|
Bên cạnh đó, thành phố đã quy hoạch chi tiết và thiết kế đồng bộ một số trung tâm khu vực đặc thù như quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài, quy hoạch chi tiết phố cũ, quy hoạch không gian cao tầng trong 4 quận nội đô... Thành phố đã tập trung huy động mọi nguồn lực và phối hợp hiệu quả với một số bộ, ngành đẩy mạnh đầu tư phát triển đồng bộ và từng bước hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; cải tạo, hạ ngầm hệ thống cáp điện và thông tin liên lạc. Công tác quản lý đô thị được đẩy mạnh và chuyển biến tiến bộ rõ rệt, nhất là sau gần hai năm thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị".
Tại hội nghị tổng kết, nhiều sở, ngành, quận, huyện đã phát biểu khẳng định, hơn 4 năm qua thành phố đã dồn sức thực hiện tốt hai chương trình, trong đó các quận Long Biên, Đống Đa, Hà Đông, Cầu Giấy, Tây Hồ và các huyện: Đan Phượng, Đông Anh… là những đơn vị tiêu biểu. Nhiều công trình được xây mới, tuyến đường mở rộng, tạo diện mạo mới cho mỗi địa phương.
Diện mạo đô thị ngày càng đẹp hơn
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo khẳng định, Hà Nội đã thực hiện khối lượng quy hoạch khổng lồ trong hơn 4 năm qua. Đến nay, thành phố đã phủ kín quy hoạch chung và hoàn thành cơ bản về quy hoạch phân khu. Rất nhiều khu vực trung tâm, khu vực đặc thù được quy hoạch chi tiết, làm cơ sở để phát triển và quản lý đô thị. Dù trong điều kiện kinh tế tăng trưởng chậm phục hồi, nguồn thu khan hiếm, nhưng Hà Nội đã tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, khánh thành và đưa vào sử dụng một số công trình, tạo động lực cho phát triển KT-XH, diện mạo đô thị đã đổi thay, hiện đại hơn.
Chủ tịch UBND thành phố cũng thẳng thắn cho rằng, công tác quy hoạch cần phải đẩy mạnh tiến độ và chất lượng hơn, mới đáp ứng yêu cầu đầu tư phát triển và công cụ quản lý đô thị. Thời gian qua, một số quy hoạch chi tiết còn phải điều chỉnh nhiều, lỗi do người lập quy hoạch và cơ quan chuyên môn trong quá trình thẩm định. Nhiều công trình có vốn, điều kiện thực hiện, nhưng tiến độ xây dựng chậm, tiêu biểu như công trình đường sắt trên cao. Nguyên nhân do năng lực quản lý, thực thi của chuyên gia, thiết kế, xây dựng hạn chế, chưa đáp ứng được an toàn. Bên cạnh đó, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chậm cũng đã tác động, ảnh hưởng đến dự án. Đây là nguyên nhân chủ quan, cần phải khắc phục.
Về nhiệm vụ giai đoạn 2015-2020, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 06 và 07 nhấn mạnh, UBND thành phố sẽ kiến nghị với Thành ủy tiếp tục xác định phát triển, quản lý đô thị là chương trình lớn của Thành ủy. Để thực hiện chủ trương đó, các cấp, ngành của thành phố cần nâng cao trình độ, năng lực quản lý, nhất là nâng cao năng lực lãnh đạo quản lý của người đứng đầu chính quyền cơ sở. Chủ tịch UBND thành phố cũng đề nghị các bộ, ngành, các hiệp hội kiến trúc, quy hoạch xây dựng, thống nhất các quy trình bắt buộc trong xem xét quy hoạch, thẩm định, duyệt quy hoạch và cần chi tiết hóa bằng thông tư để minh bạch, dễ thực hiện. Các hiệp hội tiếp tục đóng góp và có những luận cứ, cơ sở khoa học nhằm giúp Hà Nội quyết định các vấn đề đô thị với mục tiêu vì một Thủ đô xanh, văn hiến.
Ông Phan Hồng Việt, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa: Hơn 4 năm thực hiện Chương trình 07 của Thành ủy, quận Đống Đa có nhiều chuyển biến trong cải tạo, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhiều công trình mới được xây dựng tạo cho diện mạo của quận thêm khang trang. Đó là tuyến đường giao thông quan trọng như Vành đai 1, Vành đai 2, tuyến Cát Linh - La Thành - Láng… tạo mạng lưới giao thông đô thị đồng bộ, hạn chế ùn tắc các trục giao thông độc đạo trước đây. Kinh nghiệm của quận là tăng cường tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong nhân dân, đồng thời huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, từ đó thay đổi nhận thức, hành động tự giác trong việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ môi trường. Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội: Công trình kết cấu hạ tầng giao thông được đầu tư trong hơn 4 năm qua trên địa bàn Hà Nội đã góp phần nâng cao năng lực GT-VT của Thủ đô, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng. Đặc biệt, đã giảm ùn tắc giao thông từ 124 điểm năm 2011 xuống còn 46 điểm năm 2015, giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, thay đổi bộ mặt cảnh quan đô thị của Thủ đô theo hướng văn minh, hiện đại. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.