Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều đổi mới, sáng tạo trong thực hiện Chương trình 06/CTr-TU

Thanh Thủy| 25/05/2023 11:51

(HNMO) - Tại Hội nghị sơ kết Chương trình 06/CTr-TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” giai đoạn 2021-2025 do Thành ủy Hà Nội tổ chức sáng 25-5, nhiều đại biểu đã tham luận, gửi ý kiến đóng góp, đề xuất giải pháp, sáng kiến, kinh nghiệm nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình 06/Ctr-TU, với quyết tâm hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Bí thư Thành đoàn Hà Nội Chu Hồng Minh:
Tuổi trẻ Thủ đô tích cực đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới

Giáo dục truyền thống văn hóa lịch sử là nhiệm vụ cần được thực hiện thường xuyên, liên tục nhằm lan tỏa tình yêu, niềm tự hào cùng ý thức, trách nhiệm, tiếp nối giá trị di sản của các bậc tiền nhân trong thời đại mới. Với sự hỗ trợ tích cực của công nghệ, nhiệm vụ này sẽ trở nên thuận lợi và mang lại kết quả ưu việt hơn rất nhiều, nhất là ở việc rút ngắn “khoảng cách” giữa điểm đến di sản với các thế hệ. 

Chính vì vậy, ngay sau khi Ban Chỉ đạo Chương trình 06/Ctr-TU của Thành ủy ban hành Đề án mã hóa dữ liệu “địa chỉ đỏ” trên địa bàn thành phố Hà Nội, Thành đoàn Hà Nội đã rất tích cực tổ chức thực hiện nội dung này, từ việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về đề án; triển khai nhiều mô hình, công trình thanh niên, hoạt động sáng tạo, như: Đội hình tuyên truyền văn hóa lịch sử, Đội hình hỗ trợ du lịch Thăng Long - Hà Nội..., đến phối hợp với các đơn vị triển khai cải tạo, chỉnh trang, điểm quét mã QR tại các công trình tiêu biểu; chỉ đạo, hướng dẫn các cấp bộ Đoàn thực hiện mã hóa dữ liệu di tích lịch sử, di tích cách mạng kháng chiến trên địa bàn, thu về sự hưởng ứng tích cực của nhiều đơn vị, tiêu biểu như các quận đoàn: Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Thị đoàn Sơn Tây hay huyện đoàn: Thanh Trì, Phúc Thọ…

Trong thời gian tới, Thành đoàn Hà Nội sẽ đưa vào vận hành “Bản đồ số” tích hợp hệ thống tư liệu và mã QR của các “địa chỉ đỏ” đã được triển khai ở các địa phương, đơn vị, tạo ra một nền tảng truy cập thông tin tương tác đa chiều, đáp ứng cả phần nghe và phần nhìn, phục vụ nhu cầu trải nghiệm, tìm hiểu thông tin đa dạng và sâu sắc hơn về di sản. Đoàn Thanh niên thành phố kỳ vọng đây sẽ là mô hình không chỉ tiết kiệm kinh phí trong công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch, mà còn thể hiện tính tiên phong đổi mới sáng tạo của tuổi trẻ, góp phần thúc đẩy du lịch thông minh; thể hiện vai trò của thanh niên tham gia “phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang:
Lấy văn hóa làm nền tảng phát triển du lịch

Thủ đô Hà Nội đặc biệt coi trọng phát triển du lịch văn hóa, lấy du lịch văn hóa làm cơ sở, làm nền tảng để phát triển các loại hình du lịch khác. Thành phố đã chủ động ban hành kế hoạch, dự án, đề án cụ thể xây dựng và hoàn thiện các sản phẩm du lịch văn hóa, làng nghề…, bảo đảm các sản phẩm hoàn chỉnh, độc đáo, hấp dẫn, có tính chuyên nghiệp cao theo hướng phát triển du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội.

Trên cơ sở tiềm năng lợi thế sẵn có, cùng sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, ngành Du lịch Hà Nội đã từng bước khẳng định vai trò, vị trí là ngành kinh tế lớn, có tốc độ tăng trưởng ổn định, đóng góp hiệu quả vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố, đồng thời tạo nhiều dấu ấn quan trọng qua các giải thưởng, danh hiệu quốc tế, như: Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á năm 2022”; “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới năm 2022...

Ngành Du lịch Thủ đô xác định cần phát triển du lịch có trách nhiệm, phát triển du lịch hướng đến cộng đồng, thực hiện bảo tồn văn hóa dựa vào cộng đồng dân cư địa phương theo hướng chia sẻ hài hòa lợi ích cho cả doanh nghiệp, địa phương, người dân và du khách.

Bên cạnh đó, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho nguồn nhân lực tại chỗ, phát huy vai trò tích cực của cộng đồng dân cư để mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch; đẩy mạnh khai thác các yếu tố đặc trưng văn hóa của Hà Nội để tập trung phát triển sản phẩm du lịch với tính đặc thù và có tính cạnh tranh cao; tập trung các chiến dịch quảng bá sản phẩm du lịch văn hóa trên các kênh truyền thông lớn trong nước và quốc tế; thúc đẩy thu hút các nguồn lực xã hội hóa trong đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch tại các điểm đến di tích, di sản.

Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội Hoàng Thành Thái:
Triển khai đồng bộ giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Thủ đô Hà Nội

Để tận dụng tốt thời cơ, vượt qua nguy cơ, thách thức từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, vấn đề khai thác nguồn lực con người, nhất là xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là vấn đề đã và đang được đặt ra đối với Việt Nam nói chung và Thủ đô nói riêng, trong đó rất cần sự chủ động, tích cực vào cuộc của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp để biến các chủ trương, kế hoạch xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao thành hiện thực, đặc biệt là trong bối cảnh đất nước phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay.

Với quyết tâm đổi mới, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội xác định cần tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện "Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2045" trên địa bàn thành phố; tổ chức các hoạt động tư vấn hướng nghiệp cho học sinh cấp THCS, THPT; đẩy mạnh và đa dạng các hoạt động tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp.

Xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, bảo đảm quy mô, cơ cấu hợp lý về ngành, nghề, trình độ đào tạo (đa ngành, chuyên ngành), chuẩn hóa, hiện đại hóa, có phân tầng chất lượng; tiếp tục tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, xây dựng đội ngũ nhà giáo theo hướng chuẩn hóa, bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và chất lượng kỹ năng nghề nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu của thị trường lao động; đẩy mạnh công tác xã hội hóa phát triển giáo dục nghề nghiệp; tăng cường sự hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; tăng cường hợp tác quốc tế về giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là các nước thành công trong phát triển giáo dục nghề nghiệp.

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long:
Tái thiết đô thị từ không gian văn hóa sáng tạo

Nhận thấy sự cần thiết về tái thiết không gian công cộng, không gian văn hóa sáng tạo, trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu của Chương trình 06/CTr-TU và Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội, quận Hoàn Kiếm đã linh hoạt, sáng tạo trong việc mở ra các không gian văn hóa gắn kết hài hòa với các hoạt động cộng đồng, đem lại nhiều kết quả tích cực. Có thể kể đến Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận - một trong những không gian đi bộ đầu tiên trên địa bàn Hà Nội; Phố sách trên phố 19-2, nơi nhanh chóng trở thành điểm hẹn của những người yêu sách, qua đó lan tỏa tình yêu sách cũng như thúc đẩy phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng; không gian bích hoạ tại phố Phùng Hưng với 19 bức họa khổ lớn kể câu chuyện văn hóa Hà Nội nối dài từ quá khứ tới hiện tại...

Một dự án khác là không gian nghệ thuật Phúc Tân ra đời năm 2020, cải tạo một khu vực bừa bộn rác trở thành nơi tận hưởng nghệ thuật và tìm lại lịch sử thành phố qua nghệ thuật…, qua đó mang đến những giá trị mới, tốt đẹp hơn cho cộng đồng, khích lệ sự tham gia chủ động, tích cực của người dân trong việc “cùng tham gia, cùng thụ hưởng”.

Từ những cách làm trên, để hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu mà Chương trình 06/CTr-TU đề ra trong thời gian tới, Hoàn Kiếm xác định tiếp tục rà soát hạ tầng phục vụ cho công nghiệp văn hóa, tái thiết đô thị thông qua các không gian sáng tạo, không gian văn hóa công cộng; khuyến khích tính sáng tạo trong các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống, góp phần nâng cao tính ứng dụng của sản phẩm trong đời sống đương đại; tập trung nguồn lực cho bảo tồn, quảng bá và phát huy giá trị di sản vật thể và phi vật thể ở khu phố cổ, khu phố cũ, khu vực hồ Hoàn Kiếm và ngoài đê sông Hồng…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiều đổi mới, sáng tạo trong thực hiện Chương trình 06/CTr-TU

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.