Theo dõi Báo Hànộimới trên

Động lực cho tăng trưởng

Gia Khánh| 07/02/2023 06:06

(HNM) - UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Chương trình hành động số 02/CTr-UBND về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2023.

Trong 22 chỉ tiêu, nhóm chỉ tiêu chủ yếu, Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng khoảng 7%; GRDP bình quân đầu người khoảng 150 triệu đồng; vốn đầu tư xã hội thực hiện tăng 10,5%; kim ngạch xuất khẩu tăng 6%; chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 4,5%; giảm 30% số hộ nghèo so với cuối năm 2022...

Theo các chuyên gia kinh tế, mục tiêu tăng trưởng GRDP khoảng 7% trong năm 2023 thấp hơn mức tăng trưởng của năm 2022 (8,89%) nhưng vẫn là mục tiêu đầy thách thức.

Bởi, từ quý III và IV-2022, những bất ổn của kinh tế thế giới như lạm phát cao, giá nguyên, nhiên liệu tăng, hàng loạt nền kinh tế lớn thắt chặt chi tiêu… đã ảnh hưởng ngày càng rõ ràng đến kinh tế trong nước. Bên cạnh đó, các yếu tố trong nước ảnh hưởng đến lạm phát là rất lớn, biến động giá nguyên, vật liệu làm chi phí đầu vào sản xuất tăng. Trong khi thị trường xuất khẩu thu hẹp, đơn hàng sụt giảm thì đà phục hồi của thị trường trong nước cũng giảm dần… Tất cả các yếu tố đó tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đà phục hồi và tăng trưởng kinh tế của cả nước, trong đó có Hà Nội.

Vậy đâu là cơ sở, động lực để Hà Nội đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh khó khăn đó?

Trước hết, sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo cần phải được duy trì đà phục hồi, tăng trưởng của năm 2022. Thứ hai, tiếp tục hỗ trợ tối đa để thúc đẩy thị trường trong nước và các ngành dịch vụ liên quan. Thứ ba, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa, nhất là mặt hàng thiết yếu, lương thực, thực phẩm; kiểm soát thị trường, giá cả hàng hóa để bảo đảm vừa giữ lạm phát thấp giúp kinh tế tăng trưởng hiệu quả, vừa bảo đảm an sinh xã hội.

Để thực hiện được các nhiệm vụ trên, các cấp, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp cần tiếp tục chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong điều hành, thực thi giải pháp, chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất, phát triển thị trường xuất khẩu, đồng thời với tổ chức các chương trình kích cầu nội địa… Một trong những giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh mà doanh nghiệp rất kỳ vọng là cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, tháo gỡ các “rào cản”, “nút thắt”; cơ quan quản lý lắng nghe, tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp. Doanh nghiệp, người dân là trung tâm phục vụ, tiếp cận nhanh chóng với các cơ hội khởi sự, kinh doanh. Như nhiều chuyên gia kinh tế đã nhận xét, cải cách thể chế vẫn còn nhiều dư địa và môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi chính là động lực cho tăng trưởng kinh tế bền vững.

Bên cạnh đó, cần khắc phục tồn tại, thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công. Đây là “vốn mồi” cho hoạt động sản xuất, kích cầu nền kinh tế cả trong ngắn hạn và dài hạn, nhất là khi tiêu dùng có dấu hiệu chậm lại, vốn đầu tư nước ngoài vẫn là ẩn số. Nói cách khác, đầu tư công là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế.

Năm 2023, thành phố tiếp tục thực hiện chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Trong chỉ đạo, điều hành, thành phố đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm. Hà Nội cũng có những lợi thế về văn hóa, nhân lực, tài chính, thương mại… Vì thế, chúng ta kỳ vọng với quyết tâm lớn, trách nhiệm cao, Hà Nội sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng, góp phần lan tỏa, thúc đẩy kinh tế - xã hội khu vực Vùng Thủ đô, Đồng bằng Bắc Bộ cùng phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Động lực cho tăng trưởng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.