(HNM) - Sự phát triển của đô thị, từ thuở sơ khai, dựa trên các nguồn lực như tài nguyên tự nhiên, vị trí địa - kinh tế, gắn liền với các ngành công nghiệp truyền thống, đã dần thay đổi trong những năm gần đây. Đặc biệt, trong kỷ nguyên 4.0, nhiều thành phố lớn trên thế giới chuyển sang việc coi yếu tố sáng tạo như một tài nguyên. Cho nên, dù còn mới mẻ và có thể quan niệm chưa thống nhất, song có thể coi thành phố sáng tạo là thành phố đặt tính sáng tạo của con người làm giá trị, động lực cho tăng trưởng bền vững.
Trong bối cảnh đó, việc xây dựng hồ sơ “Hà Nội - thành phố sáng tạo” đề cử tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO vừa phù hợp quy luật phát triển nói chung, vừa đáp ứng những yêu cầu thực tiễn của Thủ đô nói riêng và đất nước nói chung.
Trong số các tiêu chí UNESCO đặt ra, mỗi thành phố cần ít nhất 1 trong 7 thế mạnh thuộc lĩnh vực sáng tạo, gồm: Thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian, thiết kế, điện ảnh, ẩm thực, văn học, nghệ thuật truyền thông, âm nhạc. Việc lựa chọn như thế nào phụ thuộc thế mạnh, đặc thù của mỗi đô thị. Thành phố Hà Nội đã chọn lĩnh vực thiết kế, cụ thể là thiết kế không gian văn hóa, làm cơ sở tham gia ứng cử và thời gian qua đã tạo dựng được những dấu ấn vững chắc, được đánh giá cao.
Điều đáng nói ở đây, qua phản hồi tích cực từ Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, Phố sách Hà Nội, Hoàng thành Thăng Long, Công viên Thống Nhất… và vô số không gian sáng tạo khác, dấu ấn của sự tổ chức lớp lang, bài bản của cơ quan quản lý nhà nước, sự năng động của các tập thể, cá nhân trong xã hội… rất rõ ràng. Tất cả cùng góp phần phác thảo, tạo dựng, và cho thấy sức sống của tinh thần sáng tạo. Chắc chắn một điều là: Nếu Hà Nội tiếp tục hướng đi này, sự sáng tạo tiếp nối bề dày văn hiến, dựa trên các nguồn lực hiện hữu của Thăng Long - xứ Đoài, sẽ sớm trở thành một nguồn lực quan trọng đối với sự phát triển của Thủ đô xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại.
Tất nhiên, con đường đi đến đích, quá trình hiện thực hóa các mục tiêu luôn gặp rất nhiều khó khăn. Điều cần nói đầu tiên ở đây chính là sự xác lập về mặt nhận thức: Chủ thể sáng tạo của thành phố sáng tạo là mọi công dân đô thị chứ không bó hẹp ở giới trí thức hay văn nghệ sĩ. Mỗi người đều có cá tính, năng lực sáng tạo riêng của mình. Thành phố sáng tạo sẽ là thành phố phát huy, tận dụng hiệu quả năng lực sáng tạo của từng công dân, góp lại thành nguồn lực chung. Ví dụ đáng để tham khảo là ngay ở chủ đề thiết kế không gian văn hóa, Thủ đô đã trọng dụng, hỗ trợ không ít người được coi là “tay ngang” khi họ “dấn thân” vào đề tài lựa chọn, để từ đó không gian văn hóa Thủ đô thêm phong phú.
Thứ hai, để có thành phố sáng tạo, dù lựa chọn theo tiêu chí nào thì đều cần có định hướng, tư duy quản lý sáng tạo - vấn đề thành phố Hà Nội đã và đang hết sức coi trọng, đẩy mạnh. Chính tư duy quản lý mở, năng động, thích ứng nhanh, đón đầu xu thế phát triển sẽ là bệ phóng cho sức sáng tạo của mỗi cá nhân.
Thứ ba, nên coi thành phố sáng tạo vừa là một đích đến vừa là một hành trình phát triển, đòi hỏi cả “phần cứng” (các không gian, điều kiện hạ tầng... phục vụ sáng tạo) và “phần mềm” (yếu tố văn hóa, con người... mà vai trò của giáo dục - đào tạo là hết sức quan trọng). Khi đó, thành phố sáng tạo sẽ tạo nguồn lực mạnh mẽ cho sự phát triển bền vững mà không còn bị bó buộc bởi các lĩnh vực sản xuất truyền thống vốn để lại không ít hệ lụy về xã hội, môi trường cũng như việc các nguồn tài nguyên ngày càng trở nên hạn hẹp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.