Văn hóa

Phát triển mạng lưới các Thành phố sáng tạo dựa trên 3 trụ cột chính: Thiết kế, Cộng đồng, Sáng tạo

Mai Hoa – Yên Nga 18/11/2023 - 13:00

Sáng 18-11, tại Bảo tàng Hà Nội, Hội nghị Diễn đàn Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) khu vực Đông Nam Á được tổ chức với sự tham dự của hơn 100 đại biểu, quan khách, trong đó có hơn 20 đại biểu đại diện cho các Thành phố sáng tạo của UNESCO, cùng các đại diện thuộc các thành phố dự kiến sẽ xây dựng hồ sơ ứng cử gia nhập Mạng lưới vào năm 2025 và các năm tiếp theo.

Phát huy giá trị của văn hóa và sáng tạo

Hội nghị Diễn đàn Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO khu vực Đông Nam Á do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, Chương trình định cư con người Liên hợp quốc UN-Habitat và các cơ quan, đơn vị chức năng phối hợp tổ chức.

3-tang-qua.jpg
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà trao tặng quà cho đại biểu đại diện cho các Thành phố sáng tạo của UNESCO.

Mạng lưới các Thành phố sáng tạo UNESCO được thành lập năm 2004 nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các thành phố được vinh danh quốc tế, với việc lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững. Năm 2019, Hà Nội chính thức trở thành thành viên của UCCN với danh hiệu Thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế. Hà Nội là thành phố đầu tiên của Việt Nam gia nhập UCCN và cũng là thành phố đầu tiên ban hành Nghị quyết chuyên đề riêng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

4-ba-vu-thu-ha.jpg
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà phát biểu tại hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà khẳng định: “Việc gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO là bước tiến thuận lợi cho Thủ đô trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trên mọi lĩnh vực sáng tạo văn hóa, gia nhập nhóm các thành phố toàn cầu đang phát triển theo hướng đổi mới, phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững”.

Phó Chủ tịch Vũ Thu Hà nhấn mạnh, sau gần 4 năm thực hiện các sáng kiến để thúc đẩy thiết kế trong các chương trình phát triển văn hóa - kinh tế - xã hội, Hà Nội đã thực hiện được đầy đủ các nội dung, sáng kiến và cam kết với UNESCO khi ứng cử gia nhập Mạng lưới với việc tổ chức được 8 hội thảo, tọa đàm quốc tế tham vấn xây dựng cơ chế chính sách phát triển Hà Nội - Thành phố sáng tạo; đặc biệt là tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội hằng năm với các chủ đề “Khơi nguồn sáng tạo” năm 2021, “Sáng tạo và công nghệ” năm 2022, và năm 2023 là “Dòng chảy” với chuỗi hoạt động, sự kiện nhằm tái thiết đô thị, phát huy và sáng tạo văn hóa, tái thiết di sản công nghiệp…

1-quang-canh-dien-dan.jpg
Các đại biểu tham dự hội nghị.

Tăng cường kết nối văn hóa sáng tạo để phát triển đô thị và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân

Trong khuôn khổ hội nghị, các chuyên gia, đại biểu đã cùng trao đổi, đối thoại về cách mà Mạng lưới các Thành phố sáng tạo khu vực ASEAN+3 có thể tận dụng nguồn lực văn hóa và sáng tạo của mình trong bối cảnh các thành phố đang phải đối mặt với nhiều vấn đề đô thị do tốc độ đô thị hóa nhanh và biến đổi khí hậu.

2-ba-thanh-huong.jpg
Bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng ban Văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội chia sẻ tại hội nghị.

Bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng ban Văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội nhấn mạnh, với việc có thêm 55 thành phố mới tham gia vào UCCN, Mạng lưới đã có sự tham gia của 350 thành phố thuộc hơn 100 quốc gia. Khi tham gia vào Mạng lưới, các Thành phố sáng tạo đều hướng tới mục tiêu thành lập, phát triển Trung tâm Sáng tạo và Đổi mới với việc mở ra thật nhiều không gian sáng tạo.

Việc phát triển mạng lưới các Thành phố sáng tạo đòi hỏi phải dựa trên 3 trụ cột chính: Thiết kế, cộng đồng, sáng tạo, góp phần tạo điều kiện tối đa để các nhà sáng tạo trẻ dễ dàng phát huy tiềm năng, tạo nên nhiều không gian sống tốt cho người dân thành phố, qua đó, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Trong đó, chú trọng cải thiện, thu hút sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động văn hóa sáng tạo, đồng thời, quan tâm hỗ trợ các đối tượng yếu thế. Sự chung tay đóng góp của các đối tác, tổ chức, gồm các doanh nghiệp, các tổ chức bảo trợ, người cao tuổi, người khuyết tật… không chỉ mang lại sự phát triển bền vững, mà còn tạo ra các sản phẩm, dịch vụ tốt cho xã hội.

Các đại biểu đại diện cho các Thành phố sáng tạo Singapore, Kobe (Nhật); Kuching (Malaysia); Bangkok, Chiềng Mai, Sukhothai, Phetchaburi (Thái Lan); Bang dung (Indonesia)… đã chia sẻ các bài học về cả thành công và thách thức trong quá trình phát huy hiệu quả giá trị của Thành phố sáng tạo. Các ý kiến thảo luận đều thống nhất đề cao giá trị của sự kết nối, học hỏi, hợp tác giữa các thành phố, vận dụng sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo, nghệ thuật thị giác, thời trang, âm nhạc, bảo tồn và phát huy giá trị di sản... vào từng nơi, tùy thuộc đặc điểm, nguồn lực của từng địa phương.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát triển mạng lưới các Thành phố sáng tạo dựa trên 3 trụ cột chính: Thiết kế, Cộng đồng, Sáng tạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.