Sáng 21-11, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Hội đồng Anh tổ chức tọa đàm “Thành phố Sáng tạo Hà Nội - Xây dựng thương hiệu và phát triển nguồn lực” trong khuôn khổ Tuần lễ Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023.
Tiếp nối, đổi mới không ngừng
Tại tọa đàm, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết: Trên chặng đường 4 năm phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo” sau khi được Unesco công nhận, Hà Nội đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm xung quanh chủ đề thiết kế sáng tạo. Hà Nội cũng là thành phố duy nhất của cả nước xây dựng một nghị quyết về phát triển Công nghiệp văn hóa, đó là Nghị quyết 09-NQ/TU Hà Nội Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cùng với đó, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có điều khoản riêng về lĩnh vực văn hóa sáng tạo, với việc thành phố sẽ có quy hoạch chung về thiết kế đô thị, phát triển nguồn lực cho xây dựng, phát triển Thành phố sáng tạo.
“Việc phát triển thành phố sáng tạo nằm trong lộ trình, kế hoạch phát triển bài bản của thành phố Hà Nội”, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng khẳng định tại tọa đàm.
Ông Đỗ Đình Hồng cho biết, thành phố cũng có chính sách về phát triển nguồn lực cho xây dựng thành phố sáng tạo, bao gồm chính sách đối với nghệ nhân, việc truyền dạy cho thế hệ sau... Ngoài những hội thảo, tọa đàm quốc tế và trong nước, Hà Nội còn tổ chức các Lễ hội thiết kế sáng tạo từ năm 2021 với quy mô và chất lượng ngày càng được nâng lên. Từ lễ hội “Khơi nguồn cho sáng tạo” tổ chức năm 2021 đến “Dòng chảy” (chủ đề của lễ hội năm nay), có thể thấy được sự kế thừa, tiếp nối, đổi mới không ngừng của sáng tạo nghệ thuật.
Người dân là chủ thể
Tại tọa đàm, các đại biểu, chuyên gia cũng thảo luận nhiều chủ đề nhằm góp phần giúp Hà Nội phát triển Thành phố sáng tạo hiệu quả và bền vững.
Ông Chris Maccrey, Ban Phát triển văn hóa và du lịch Hội đồng thành phố Belfast (Thành phố sáng tạo âm nhạc được Unesco công nhận vào năm 2017) chia sẻ kinh nghiệm: Từ những khó khăn ban đầu trong việc kết nối cộng đồng, hiện, Belfast đã trở thành điểm hẹn âm nhạc của thế giới với nhiều không gian sáng tạo khác nhau, từ âm nhạc truyền thống đến hiện đại.
Để có được thành công, chính quyền thành phố Belfast đã có hỗ trợ cụ thể về không gian công cộng cho sáng tạo, đó là không gian bảo tàng, các không gian bị bỏ trống... Ông Chris Maccrey đề cao sự tham gia của cộng đồng, coi người dân là chủ thể chính của sáng tạo.
Đồng quan điểm này, bà Poppy Jarrat, Điều phối dự án sáng tạo Thành phố sáng tạo thiết kế Dundee khuyến nghị: Cần tận dụng không gian từ những cửa hàng hoạt động không hiệu quả để tổ chức, sắp đặt, thiết kế lại không gian sáng tạo mới. Các thành phố nên có đội ngũ chuyên gia nòng cốt, chuyên nghiệp để hướng dẫn người dân cùng tham gia.
Là người 3 lần tham gia Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội, nhà thiết kế Vũ Thảo đề cao yếu tố bản địa, bản sắc văn hóa trong các thiết kế sáng tạo cộng đồng. Theo nhà thiết kế Vũ Thảo, di sản văn hóa là nguồn lực to lớn để Hà Nội xây dựng, phát triển thành phố sáng tạo. Yếu tố thiết kế trong các lĩnh vực từ thời trang, kiến trúc, đô thị... đều chứa đựng câu chuyện văn hóa riêng.
“Cần phải có không gian sáng tạo mới dựa trên nền tảng văn hóa đang có. Chúng ta tôn trọng truyền thống nhưng cũng cần tiếp nhận cả những sáng tạo, thay đổi trên nền tảng truyền thống để tạo ra giá trị mới cho công chúng”, nhà thiết kế Vũ Thảo chia sẻ.
Tại tọa đàm, với vai trò là đơn vị phối hợp tổ chức, cũng như từng tham gia phối hợp tổ chức nhiều sự kiện sáng tạo tại Hà Nội, Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam Donna McGowan khẳng định, thời gian tới, sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, thành phố Hà Nội trong các chương trình phát triển văn hóa; đồng thời, sẽ kết nối thành phố Hà Nội với những đô thị trong mạng lưới “Thành phố sáng tạo” của Unesco để đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, sáng tạo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.