Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội kết thúc với những con số ấn tượng, trở thành sự kiện cộng đồng có sức hút lớn nhất tại Hà Nội kể từ sau dịch Covid-19. Thành công này không chỉ cho thấy nỗ lực của thành phố Hà Nội trong các hoạt động vì cộng động mà còn khẳng định vị thế của “Thành phố sáng tạo” đang làm tốt các cam kết với UNESCO.
Những con số ấn tượng
Sau 3 năm tổ chức, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 đã trở thành một trong những sự kiện văn hóa nổi bật nhất cuối năm 2023. Hiếm có một lễ hội văn hóa tổ chức ở xa trung tâm thành phố lại tạo được sức hút lớn với không chỉ công chúng mà còn tập hợp được đông đảo đội ngũ sáng tạo ở nhiều lĩnh vực: Thiết kế, kiến trúc, mỹ thuật, âm nhạc, thời trang...
Thành công của sự kiện được thể hiện ở những con số ấn tượng mà Ban tổ chức đưa ra. Sau 12 ngày tổ chức (từ ngày 17 đến 28-11), ước tính, lễ hội thu hút khoảng 200.000 khách đến Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, 30.000 khách tham quan tháp nước Hàng Đậu, 26.000 vé tàu bán ra; thu hút 2.000 nhà sáng tạo nội dung hưởng ứng, chủ động sáng tác 4 triệu thảo luận trên mạng xã hội; hơn 100 đại biểu, chuyên gia quốc tế tham gia các hội thảo, tọa đàm trực tiếp; gần 1.000 bài viết trên các cơ quan báo chí. Sức hút của lễ hội khiến Ban tổ chức quyết định kéo dài thêm 2 ngày so với dự kiến.
Chia sẻ về lễ hội, kiến trúc sư Nguyễn Hồng Quang, một trong những nhà sáng tạo tham gia lễ hội, cho biết, thành công của lễ hội là việc làm sống dậy những di sản công nghiệp một thời của Hà Nội như Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Bốt Hàng Đậu... “Nhiều giá trị xưa cũ tưởng như chỉ còn trong ký ức nhưng đã được mang một diện mạo mới, đầy sức sống và sáng tạo của thời đại”, kiến trúc sư Nguyễn Hồng Quang bày tỏ.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, đến trưa 28-11, vẫn còn rất nhiều người tìm đến bốt Hàng Đậu, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm để tham quan, trải nghiệm.
Sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Nguyễn Khánh Linh cho biết, bản thân đã 3 lần đến Nhà máy Xe lửa Gia Lâm để trải nghiệm các hoạt động của lễ hội. Ấn tượng nhất với Linh là các sắp đặt “Bến chờ”, “Dòng chảy”, “Phân xưởng nóng” ở Nhà máy Xe lửa Gia lâm và trưng bày ánh sáng ở bốt Hàng Đậu.
Còn với chị Phạm Hạnh, một người Hà Nội gốc, việc đến Nhà máy Xe lửa Gia Lâm giúp chị trở lại tuổi thơ với nhiều ý ức đẹp về cuộc sống Hà Nội xưa. “Khi trải nghiệm chuyến tàu di sản từ ga Hà Nội đến ga Gia Lâm, tham quan nhà máy với rất nhiều công xưởng cũ, chiếc tàu máy hơi nước đầu tiên của Việt Nam, ký ức ngày bé của tôi như được trở lại”, chị Hạnh bày tỏ.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng, so với 2 năm đầu tổ chức, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 là sự phát triển cả về quy mô, chất lượng. Lễ hội phần nào khẳng định nguồn lực dồi dào và các tiềm năng to lớn của Thủ đô trong lĩnh vực thiết kế, sáng tạo. Đó là nguồn lực về tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa, con người cùng với năng lực tổ chức các sự kiện sáng tạo mang tầm quốc tế.
Hiện thực hóa các cam kết với UNESCO
Năm 2019, Hà Nội được UNESCO ghi danh vào Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế sáng tạo. Từ đó đến nay, Hà Nội từng bước khẳng định thương hiệu “Thành phố sáng tạo” với vị thế tiên phong, sáng tạo, khả năng hội nhập quốc tế. Thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, kế hoạch để giữ vững thương hiệu “Thành phố Sáng tạo”.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đỗ Đình Hồng cho biết, Hà Nội đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm xung quanh chủ đề thiết kế sáng tạo. Hà Nội cũng là thành phố duy nhất của cả nước xây dựng một nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa, đó là Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bên cạnh đó, thành phố ban hành Kế hoạch số 102/KH-UBND về triển khai các sáng kiến tham gia Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO đến năm 2025…, đồng thời, phối hợp các bên liên quan tổ chức nhiều chương trình, hoạt động, nhằm hiện thực hóa các sáng kiến, cam kết với UNESCO. Gần đây nhất, vào tháng 6-2023, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 161/KH-UBND về thực hiện các sáng kiến gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO năm 2023.
Để hiện thực hóa các cam kết với Unesco, thành phố cũng tổ chức nhiều cuộc thi gắn với thiết kế sáng tạo, như: “Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội”, “Thiết kế Km số 0”, “Hà Nội sáng tạo”, “Thiết kế nghệ thuật công cộng Hà Nội”; tổ chức các tuần lễ sáng tạo, đẩy mạnh hoạt động của những không gian văn hóa sáng tạo như Trung tâm Nghệ thuật 22 Hàng Buồm, tuyến phố đi bộ Hoàn Kiếm, Trịnh Công Sơn, Sơn Tây…
“Việc thành phố Hà Nội gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO là bước tiến thuận lợi cho Hà Nội trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trên mọi lĩnh vực sáng tạo văn hóa. Kể từ khi tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo đến nay, Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động khởi sắc. Hiện Hà Nội có khoảng 200 không gian sáng tạo, mang đến nhiều giá trị cho cộng đồng cũng như khơi nguồn sáng tạo cho các nghệ sĩ, nhà thiết kế. Điều này cũng cho thấy tiềm năng sáng tạo của Thủ đô đã len lỏi vào cuộc sống”, ông Đỗ Đình Hồng cho biết.
Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 khép lại với sức lan tỏa mạnh mẽ về tiềm lực của một “Thủ đô sáng tạo”. Dư âm của lễ hội cũng mở ra nhiều kỳ vọng mới để Hà Nội hiện thực hóa khát vọng và tầm nhìn chiến lược trong việc phát triển Thủ đô tương lai.
Vào 18h chiều nay(28-11), Lễ bế mạc Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 sẽ được tổ chức tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm. Trong lễ bế mạc, công chúng sẽ được thưởng thức chương trình nghệ thuật “Con đường thiên ý” với sự tham gia của các nghệ sĩ: Nghệ sĩ ưu tú Đăng Dương, nghệ sĩ piano Đăng Khánh, Lưu Đức Anh, nghệ sĩ violin Nguyễn Thiện Minh... Ban tổ chức sẽ vinh danh những địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân đã có đóng góp cho sự thành công của lễ hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.