(HNM) - Nông nghiệp Việt Nam đang phát triển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, đồng thời bảo đảm an ninh lương thực. Để đạt được mục tiêu này cần triển khai các cơ chế, chính sách hiệu quả hơn nữa nhằm đồng hành với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp...
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian qua, các chính sách của nhà nước đã góp phần thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Nhờ vậy, hiện cả nước có khoảng 580.000ha đất sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn; 33.488 trang trại trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản... đạt giá trị sản xuất khoảng 2,7 tỷ đồng/năm/trang trại.
Tính đến tháng 7-2018, có 501 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đã đăng ký là 3,37 tỷ USD. Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã quy hoạch 22 khu nông nghiệp công nghệ cao; Bộ NN&PTNT và các địa phương công nhận 38 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Đến nay, hệ thống doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã hình thành với 49.600 doanh nghiệp...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp vẫn còn gặp một số khó khăn trong việc tiếp cận đất đai; tiếp cận tín dụng; vẫn phải nhập khẩu giống cây trồng, vật nuôi; thị trường tiêu thụ không bền vững...
Theo bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch HĐQT - Giám đốc Công ty CP BAGICO - Bắc Giang, Chính phủ cần có cơ chế cho phép doanh nghiệp được tiếp cận các nguồn tài nguyên về giống, kết quả nghiên cứu khoa học ứng dụng; cần cải cách thủ tục hành chính, nới rộng cơ chế nghiên cứu khảo nghiệm giống mới; rút ngắn thời gian cấp bằng sở hữu trí tuệ và bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa…
Đồng quan điểm, ông Võ Việt Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại và Đầu tư Anh Dũng (huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) nêu thêm: "Thực tế, để đầu tư đúng quy định, các doanh nghiệp phải sử dụng vốn lớn nhưng thu hồi rất chậm bởi giá thành sản phẩm cao, phụ thuộc thời tiết, thị trường; đồng thời phải cạnh tranh với sản phẩm nông sản kém chất lượng, hàng giả... khiến nhiều đơn vị không mặn mà với nông nghiệp, nông thôn. Đây là những vấn đề cơ quan quản lý nhà nước cần lưu tâm để đồng hành với doanh nghiệp đạt hiệu quả hơn nữa".
Theo đánh giá của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, nông nghiệp Việt Nam còn nhiều tiềm năng và cơ hội có thể khai thác. Mục tiêu trong 10 năm tới, nông nghiệp Việt Nam đứng trong số 15 nước phát triển nhất thế giới, trong đó ngành chế biến nông sản đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới. Để thực hiện được mục tiêu này, vai trò của doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp vô cùng quan trọng. Ngày 17-4-2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
“Chúng ta cần phải đưa Nghị định 57/2018/NĐ-CP vào cuộc sống, phát huy tác dụng một cách cao nhất, chỗ nào tốt thì cố gắng phát huy tối đa từ các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư. Chỗ nào chưa phù hợp thực tiễn thì sẽ điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 57/2018/NĐ-CP; cắt giảm 50% thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; nghiên cứu đề xuất, điều chỉnh chính sách thuế hợp lý, cải cách cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ tiên tiến hiện đại... phục vụ nông nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.