Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đồng hành và chia sẻ

Hoàng Hà| 09/11/2021 06:02

(HNM) - Trong gần 2 năm qua, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội, đặc biệt là hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp. Song, với phương châm “sức khỏe của doanh nghiệp là sức khỏe của nền kinh tế”, thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương luôn đồng hành, chia sẻ, kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc, đề ra nhiều giải pháp để quyết liệt tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì, phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, phải thừa nhận một thực tế là đến thời điểm này, mặc dù cả nước đã chuyển sang trạng thái “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, nhưng nhiều khó khăn, như: Thiếu vốn sản xuất, thiếu lao động cục bộ hay bị đứt gãy chuỗi cung ứng do ảnh hưởng của dịch bệnh… vẫn bủa vây, khiến không ít doanh nghiệp phải giải thể, tạm ngừng hoạt động. Minh chứng rõ nhất thể hiện qua con số thống kê trong 10 tháng năm 2021, cả nước có 93,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 15,7% so với cùng kỳ năm 2020; trong khi đó bình quân có 9,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường/tháng…

Trước những hệ lụy của đại dịch Covid-19 và thực trạng “sức khỏe” của cộng đồng doanh nghiệp như hiện nay, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đang tiếp tục triển khai các chính sách và giải pháp đột phá, phù hợp để giúp doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi, tìm hướng đi mới, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn khó khăn này.

Nhiệm vụ ưu tiên hiện nay là khẩn trương triển khai Nghị định số 92/2021/NĐ-CP ngày 27-10-2021 của Chính phủ về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 và các chính sách, giải pháp hỗ trợ khác của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương để khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện, cơ hội cho các doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục rà soát, nắm bắt những “điểm nghẽn” của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ; loại bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết nhằm tiết kiệm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp; tiếp tục triển khai những giải pháp cấp bách, mạnh mẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất; nghiên cứu ban hành gói hỗ trợ tài chính bổ sung… cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Hiện nay, dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước. Do đó, việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trong doanh nghiệp, khu công nghiệp; đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin cho người lao động… cần tiếp tục được thực hiện một cách đồng bộ, xuyên suốt, không để đứt quãng, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Về phía các địa phương, cần tăng cường đối thoại với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, trên cơ sở đó có giải pháp "tiếp sức" doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Một vấn đề quan trọng khác là phối hợp với các doanh nghiệp thống nhất phương án, điều kiện tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn, phù hợp với tình hình dịch bệnh ở địa phương và điều kiện thực tế của doanh nghiệp.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, để trụ vững, cần tiếp tục nỗ lực, phát huy hơn nữa tinh thần tự lực, tự cường, tăng cường tính liên kết giữa các doanh nghiệp để vượt qua giai đoạn khó khăn; chủ động đổi mới mô hình sản xuất, kinh doanh nhằm thích ứng với trạng thái “bình thường mới”...

Triển khai các giải pháp cấp bách để đồng hành và chia sẻ với doanh nghiệp là yếu tố quan trọng nhất hiện nay giúp cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, chủ động tận dụng các cơ hội để phục hồi sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng hành và chia sẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.