Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đồng hành cùng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

Minh Ngọc| 27/08/2017 07:34

(HNM) - Cùng với hàng triệu học sinh trên mọi miền Tổ quốc, gần 14 nghìn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở TP Hà Nội cũng chuẩn bị bước vào năm học mới 2017-2018.

Hướng dẫn trẻ em tại Trung tâm Phục hồi chức năng Việt - Hàn làm bưu thiếp.


Nơi cần tình thương yêu

Không băng rôn, khẩu hiệu chào mừng, năm học mới của các em có HIV được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Chữa bệnh, Giáo dục lao động xã hội số 2 Hà Nội (Trung tâm), đóng tại xã Yên Bài, huyện Ba Vì vẫn diễn ra sôi động. Sáng sáng, những em lớn chuẩn bị sách vở, đeo khăn quàng đỏ rồi dắt nhau đến Trường THCS Yên Bài B học tập. Các em lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo được các mẹ, các cô tại Trung tâm chăm sóc tận tình từng miếng ăn, giấc ngủ. Các em học sinh bậc tiểu học được học ngay tại Trung tâm, do đội ngũ giáo viên của Trung tâm giảng dạy. Đa số các em có sức khỏe yếu, nhận biết chậm nên việc dạy học cho các em vô cùng vất vả.

Vừa cầm thước kẻ chỉ vào những chữ cái, hướng dẫn cả lớp đánh vần, chị Đinh Thị Thủy vừa quan sát từng trò. Thấy em Ngô Thị Thu Hiền loay hoay với những chữ cái, chị Thủy rời bục giảng đến cầm tay Hiền đưa từng nét. Hiền viết xong đến em Nguyễn Chí Thước, Nguyễn Công Đạt, Đinh Văn Hào... trò nào cũng cần cô uốn nắn, chăm sóc như trẻ mầm non. Chị Đinh Thị Thủy cho biết, giáo viên của những lớp học đặc biệt này vừa làm nhiệm vụ giảng dạy vừa làm mẹ, kiêm luôn vai trò cán bộ y tế.

Nếu không có tình yêu thương thì khó lòng đồng hành cùng các em. "Đôi khi đang ngồi học, các con bị chảy máu cam, ho hoặc nôn ra bàn. Có những con lại nhìn xa xăm, đượm buồn, không tập trung học bài, rất đáng thương. Tiếp xúc thường xuyên với các con nên giáo viên chỉ nhìn qua là biết các con đang gặp trở ngại gì để có biện pháp hỗ trợ kịp thời", chị Đinh Thị Thủy tâm sự. Nhờ sự chăm sóc, dạy bảo ân cần của đội ngũ giáo viên và cán bộ Trung tâm, hơn 80 trẻ có HIV dần khôn lớn.

Tại Trung tâm Phục hồi chức năng Việt - Hàn, xã Đông Yên, huyện Quốc Oai, ngoài giờ học chữ, 120 trẻ tự kỷ, khiếm thính, khuyết tật vận động… được quan tâm phục hồi chức năng với sự hướng dẫn tỉ mỉ của các thầy cô và đội ngũ cán bộ. Chương trình học tập xen kẽ với các hoạt động phục hồi chức năng, giúp trẻ khuyết tật phát triển từng ngày.

Đồng hành cùng trẻ em tại Làng trẻ em SOS Hà Nội, ngoài sự quan tâm của các cơ quan, đơn vị và các nhà hảo tâm còn có sinh viên tình nguyện. Phạm Thái Cẩm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ tình nguyện dạy trẻ Làng SOS - Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, Câu lạc bộ hoạt động từ năm 2013 đến nay, thu hút đông đảo sinh viên tham gia với mong muốn hỗ trợ các em có hoàn cảnh đặc biệt. Hiện nay, Câu lạc bộ đang phỏng vấn, lựa chọn các tình nguyện viên có năng lực, nhiệt tình để giúp đỡ các em trong năm học 2017-2018. Theo ông Nguyễn Văn Sinh, Giám đốc Làng trẻ em SOS Hà Nội, sự hỗ trợ của đội ngũ sinh viên tình nguyện đối với trẻ em tại Làng trẻ em SOS không chỉ giúp các em học tập tốt hơn, mà đó còn là những tấm gương sáng để các em noi theo, trở thành người có ích cho xã hội.

Mong ước giản dị

Bằng tình yêu thương, sự giúp đỡ từ nhiều phía, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở Hà Nội đã được quan tâm, chăm sóc. Các em được tạo mọi điều kiện để đến trường như bạn bè cùng trang lứa... Song, khi năm học mới đến cũng là lúc những người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng các em lại canh cánh trong lòng những nỗi lo.

Ông Nguyễn Kim Cam, Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng Việt - Hàn cho biết, 70% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đang được nuôi dưỡng, phục hồi chức năng tại Trung tâm chỉ có khả năng học văn hóa trình độ tiểu học. Nếu được quan tâm dạy nghề, định hướng việc làm song song với việc học văn hóa, phục hồi chức năng, khi bước vào tương lai các em sẽ có nền tảng vững chắc hơn. Tiếc rằng, hoạt động của Trung tâm phụ thuộc phần lớn vào các dự án tài trợ, rất khó tổ chức các lớp dạy nghề. “Sau lớp dạy nghề làm tăm, bưu thiếp… kéo dài gần 3 tháng do Công ty Johnson & Johnson tài trợ, nhiều em có thể tự mình làm được các sản phẩm. Nếu chương trình dạy nghề kéo dài, diễn ra thường xuyên, tôi tin nhiều trẻ khuyết tật có thể tự lập trong tương lai”, ông Nguyễn Kim Cam khẳng định.

Không chỉ mong muốn các cơ quan, tổ chức quan tâm dạy nghề cho trẻ có HIV, đội ngũ cán bộ, giáo viên Trung tâm Chữa bệnh, Giáo dục lao động xã hội số 2 Hà Nội kêu gọi cộng đồng không nên kỳ thị, xa lánh trẻ có HIV. “Dù được đến Trường THCS Yên Bài B học cùng các bạn, nhưng các em có HIV vẫn phải học riêng một lớp. Những lời nói, thái độ kỳ thị của bạn bè khiến các em bị tổn thương, ngại giao tiếp”, chị Đào Thu Huyền, Trưởng phòng Chính sách nuôi dưỡng trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, Trung tâm Chữa bệnh, Giáo dục lao động xã hội số 2 Hà Nội chia sẻ.

Có lẽ, mong muốn của những người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cũng là mong muốn chung của toàn xã hội. Bước vào năm học 2017-2018, hy vọng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhận được sự quan tâm nhiều hơn, giúp các em tự tin vượt lên hoàn cảnh, xây đắp tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng hành cùng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.