Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đồng hành cùng doanh nghiệp khởi nghiệp

Đức Anh| 05/08/2017 07:42

(HNM) - Cả nước hiện có hơn 1.500 doanh nghiệp khởi nghiệp và sẽ tiếp tục tăng. Doanh nghiệp khởi nghiệp được hỗ trợ dưới nhiều hình thức để vượt qua bước khởi đầu gian nan, trong đó Tổng cục Thuế đã triển khai chương trình

Đại diện các doanh nghiệp ký kết với Tổng cục Thuế tại chương trình “Đồng hành cùng doanh nghiệp khởi nghiệp”.



Hỗ trợ đúng và trúng

Nhân sự mỏng, lượng vốn không nhiều và kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp chưa cao là những khó khăn mà bất cứ doanh nghiệp khởi nghiệp nào cũng phải đối mặt trong những ngày đầu thành lập. Ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh thuận lợi trong thực hiện các thủ tục hành chính về đăng ký thuế, khai, nộp thuế…, Tổng cục Thuế đã triển khai chương trình “Đồng hành cùng doanh nghiệp khởi nghiệp” trên phạm vi cả nước.

Tổng cục Thuế yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố bám sát và triển khai các nội dung của chương trình, như tạo chuyên mục “Đồng hành cùng doanh nghiệp khởi nghiệp” trên website Tổng cục Thuế và website của 63 cục thuế. Tổng cục Thuế cũng yêu cầu các cục thuế triển khai đa dạng các hình thức hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp như tổ chức các điểm hỗ trợ trực tiếp, hỗ trợ qua điện thoại, email, mở các lớp tập huấn, hướng dẫn doanh nghiệp...

Theo ông Nguyễn Đại Trí, ngành Thuế đã yêu cầu các cục thuế phải bố trí cơ sở vật chất, cán bộ phù hợp, sẵn sàng tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Đối với những nội dung yêu cầu hỗ trợ không thuộc phạm vi chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, cán bộ vẫn tiếp nhận và chuyển yêu cầu sang bộ phận có trách nhiệm để hướng dẫn. Tổng cục Thuế cũng yêu cầu các cục thuế phối hợp với các cơ quan, ban ngành có liên quan (Sở Kế hoạch và Đầu tư, các hiệp hội doanh nghiệp…) trên địa bàn để phối hợp hỗ trợ, kết nối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ như các đại lý thuế, doanh nghiệp cung cấp phần mềm kế toán, các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thư số...

Chương trình "Đồng hành cùng doanh nghiệp khởi nghiệp" triển khai từ tháng 7-2017 với mục tiêu không để doanh nghiệp có khó khăn, trở ngại về thủ tục thuế làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi cho họ tiếp cận các kênh thông tin hỗ trợ của cơ quan thuế. Như vậy, doanh nghiệp khởi nghiệp có thể hoàn thành các thủ tục hành chính thuế ban đầu nhanh nhất và tiết kiệm nhất.

Đa dạng hình thức hỗ trợ

Trên thực tế, tại nhiều nước phát triển, nhà nước tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp trong giai đoạn đầu hoạt động thông qua đầu tư kinh phí để phát triển ý tưởng (khoảng 200.000 - 500.000USD) đến một giai đoạn nhất định. Tại một số nước, nhà nước cũng hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp về đầu ra cho sản phẩm. Những sản phẩm từ công nghệ thử nghiệm được nhà nước ưu tiên mua phục vụ cho lợi ích công cộng… Hình thức hỗ trợ của Chính phủ chủ yếu thông qua các quỹ hoặc theo vốn đối ứng với nhà đầu tư, quỹ đầu tư tư nhân hoặc thông qua các chính sách miễn, giảm thuế hoặc chính sách tín dụng và một số chính sách khác.Đơn cử tại Singapore, trong 3 năm đầu, các doanh nghiệp khởi nghiệp có doanh thu dưới 100.000 đô la Singapore sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp đạt doanh thu 100.000 - 300.000 đô la Singapore sẽ được áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 8,5%, trên 300.000 đô la Singapore là 17%. Từ năm thứ 4 trở đi, doanh nghiệp khởi nghiệp có doanh thu dưới 300.000 đô la Singapore được áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 8,5%, trên 300.000 đô la Singapore 17%.

Tại Thái Lan, Chính phủ ưu đãi không thu thuế thu nhập cá nhân trong vòng 10 năm khi đầu tư vào 10 lĩnh vực công nghiệp chủ chốt về công nghệ và sáng tạo, gồm ô tô thế hệ kế tiếp, điện tử thông minh, du lịch trải nghiệm phong phú và du lịch chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp và công nghệ sinh học, thực phẩm, rô bốt công nghiệp, vận chuyển và hàng không... Những công ty đầu tư mạo hiểm cũng được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm đầu.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), vấn đề chính hiện nay là các hộ kinh doanh không muốn chuyển sang mô hình doanh nghiệp do sự phức tạp của kế toán doanh nghiệp, nhất là đối với đơn vị siêu nhỏ. Do vậy, để khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển sang doanh nghiệp cần đơn giản hóa chế độ kế toán. Ông Vũ Tiến Lộc khẳng định, hiện cả nước có 1,8 - 2 triệu hộ kinh doanh cá thể. Để thực hiện mục tiêu vào năm 2020 có một triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, cần khuyến khích thành lập doanh nghiệp mới và chuyển những hộ kinh doanh cá thể sang mô hình doanh nghiệp. Chương trình đồng hành của ngành Thuế với doanh nghiệp khởi nghiệp đã thể hiện quyết tâm lớn trong việc thực hiện vai trò hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là đạt mục tiêu một triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cũng bày tỏ mong muốn, thời gian tới ngành Thuế sẽ xây dựng báo cáo nâng cao năng lực quản trị tài chính cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, qua đó hỗ trợ họ vượt qua bước đầu gian nan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng hành cùng doanh nghiệp khởi nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.