Sách

Đong đầy cảm xúc trong “Những khoảnh khắc sinh tử”

Vân Lam 01/09/2023 - 15:57

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng câu chuyện về những con người đã góp phần làm nên chiến thắng của đất nước, của dân tộc vẫn còn tiếp tục được kể lại trong các bài báo, thước phim, bức ảnh hay tác phẩm văn học.

Về những người lặng thầm cống hiến, tạo ra chiến công thì không thể không nhắc đến đội ngũ chiến sĩ tình báo và biệt động của Việt Nam mà hình tượng của họ còn xuất hiện chưa nhiều trong văn học.

Đó là một phần lý do để nhà văn Hoài Hương đặt bút viết tập truyện ngắn “Những khoảnh khắc sinh tử” như một lời tri ân gửi đến thế hệ cha anh đã từng sống với lý tưởng cao đẹp, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc.

sinh-tu.jpg

Là người gốc Nam Bộ nhưng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, hiện sống ở thành phố Hồ Chí Minh, với nhà văn Hoài Hương, hai mảnh đất ấy đều nặng ân tình. Bởi thế, trong các tác phẩm của chị, Hà Nội hay Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh đều in đậm dấu ấn.

Ở tập truyện ngắn “Những khoảnh khắc sinh tử”, nhà văn viết về những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho thành phố Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh hôm nay, nhưng người đọc dễ dàng nhận ra “bóng dáng Hà Nội”. Điều đó có thể thấy qua những nhân vật điệp viên hay ở các chi tiết gợi hình gợi ảnh, những cuốn sách về Hà Nội, ca khúc Hà Nội, hoa sữa, ga Hàng Cỏ... trong các truyện ngắn “Những khoảnh khắc sinh tử”, “Cây hoa sữa giữa Sài Gòn”, “Quà tặng của chiến tranh”, “Bông hồng thời chiến”, “Vết thương tuổi 18”, “Nhà chiêm tinh học bí ẩn”...

12 truyện ngắn là 12 lát cắt, có lúc gây “thót tim” khi nhân vật Bảy Hoàng cận kề nguy hiểm bởi chỉ có vài phút chạy đua tốc độ để đánh điện đài rồi kịp cất giấu, ngụy trang trước khi đám lính ập tới khám xét. Có những chi tiết khiến bạn đọc xót xa, cảm phục trước sự nhẫn nại và cứng cỏi vô bờ của “bông hồng trắng” cách mạng đã “qua bao lần sinh tử, nếm trải bao mùi vị cay đắng ê chề” suốt hơn 6 năm “nằm vùng”. Có những câu chuyện tình yêu thời chiến gây xúc động, như có thể thấy qua “Thân phận tình yêu”, “Và không tiếc tuổi thanh xuân”, “Anh đã tìm em trong hàng triệu đôi mắt Sài Gòn”, “Hẹn ước trong rừng trăng”...

Không đặt nặng các tình huống để “thắt nút” - “mở nút", trong tập truyện ngắn “Những khoảnh khắc sinh tử”, nhà văn Hoài Hương tập trung khai thác yếu tố tư liệu lịch sử và thân phận cuộc đời. Cả 12 câu chuyện trong tập truyện đều được nhà văn viết dựa trên nguyên mẫu ngoài đời thật, ví như “Những khoảnh khắc sinh tử” có nguyên mẫu chính là cha của nữ nhà văn, hay “Thân phận tình yêu” là câu chuyện về một nhà văn nổi tiếng hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân 1968 và người vợ miền Nam của ông.

Là người lãng mạn nên những trang văn của Hoài Hương, dù ở thể loại tản văn hay truyện ngắn, lúc nào cũng đong đầy cảm xúc của tình yêu, cả tình yêu quê hương đất nước, tình yêu thiên nhiên hoa lá cỏ cây, hay tình yêu đôi lứa.

Những câu chuyện về chiến tranh của chị cũng vậy, dẫu viết về những chiến công với biết bao đau thương mất mát nhưng vẫn ánh lên ánh sáng của tin - yêu. Nhiều số phận trong truyện không đợi được đến ngày toàn thắng, nhiều tình yêu đôi lứa chẳng được sum vầy nhưng bởi yêu thương vẫn luôn đong đầy mà mỗi truyện ngắn trong “Những khoảnh khắc sinh tử” vẫn đọng lại nơi người đọc cảm xúc ấm áp.

Tập truyện ngắn “Những khoảnh khắc sinh tử” do NXB Quân đội nhân dân ấn hành.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đong đầy cảm xúc trong “Những khoảnh khắc sinh tử”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.