(HNM) - Cụm công nghiệp có vai trò quan trọng trong giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp nói riêng và kinh tế nói chung của Thủ đô.
Tuy nhiên, hoạt động của các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố trong thời gian qua vẫn tồn tại nhiều hạn chế nên chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Nhiều cụm công nghiệp hình thành từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước nên hiện đã bộc lộ rõ hạn chế, tồn tại. Điều đáng nói là không ít cụm công nghiệp hình thành tự phát nên đến nay hệ thống giao thông, điện, nước… vẫn chắp vá, dẫn đến nhiều nguy cơ về cháy nổ, ô nhiễm môi trường. Vẫn còn tình trạng sử dụng đất sai mục đích, chuyển nhượng trái phép; nhiều vi phạm trật tự xây dựng chậm được xử lý; thậm chí, nhà ở còn được hình thành trong cụm công nghiệp… nên đã phá vỡ quy hoạch của mô hình này.
Trong khi đó, với những cụm công nghiệp đang được đầu tư xây dựng mới, nhiều chủ đầu tư năng lực yếu, vốn “mỏng” nên tiến độ xây dựng chậm, kéo dài; việc thu hút doanh nghiệp vào hoạt động không hiệu quả…
Thực trạng trên do nhiều nguyên nhân. Ngoài yếu tố chủ quan là công tác quản lý nhà nước vẫn có hạn chế, còn do cơ chế, chính sách chưa đồng bộ, thiếu hướng dẫn thống nhất… nên việc hoàn thiện hạ tầng các cụm công nghiệp gặp nhiều vướng mắc; phương thức, tính hiệu quả trong thu hút đầu tư còn thấp...
Nhằm thúc đẩy tăng trưởng ngành Công nghiệp, thành phố Hà Nội đã và đang chú trọng phát triển các cụm công nghiệp hiện đại. Đây là điều kiện cơ bản để phát triển làng nghề, kinh tế nông thôn và kêu gọi đầu tư phát triển các ngành Công nghiệp có lợi thế của Hà Nội.
Để việc tổ chức thực hiện, triển khai đạt kết quả, trước mắt, những đơn vị được giao quản lý ở cụm công nghiệp đang hoạt động cần siết chặt công tác quản lý nhà nước, quản lý tốt dịch vụ công cộng, tiện ích chung như: Hệ thống cấp, thoát nước; vệ sinh môi trường, xử lý nước thải, chất thải; phòng cháy, chữa cháy; duy tu, bảo dưỡng, khai thác các công trình hạ tầng kỹ thuật… Đồng thời, từ những đặc thù của địa phương, nên tìm tòi để có đề xuất phù hợp, tháo gỡ vướng mắc, bất cập đang tồn tại kéo dài.
Đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp đòi hỏi thời gian dài, nguồn vốn lớn nên cơ quan chức năng cần xem xét, tạo cơ chế ưu đãi về tài chính cho nhà đầu tư. Đồng thời, thực hiện tốt việc cải cách hành chính, thủ tục đầu tư để tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp.
Phát triển loại hình cụm công nghiệp làng nghề là đặc thù, lợi thế trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và khu vực nông thôn Hà Nội nói riêng. Song, trong bối cảnh vùng ngoại thành đang xây dựng nông thôn mới nên các địa phương cần lưu ý sự khớp nối, đồng bộ trong quy hoạch, đầu tư hạ tầng giữa xây dựng nông thôn mới với phát triển cụm công nghiệp để phát huy tối đa lợi thế của loại hình này.
Xu hướng đầu tư vào các cụm công nghiệp sẽ là phát triển công nghệ cao, công nghệ sạch nên hạ tầng phải đáp ứng được yêu cầu này. Do đó, cần thực hiện sâu rộng công tác xã hội hóa, khuyến khích doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư. Trong đó, chú trọng phát triển mô hình cụm công nghiệp có tính chất chuyên ngành để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có điều kiện liên kết sản xuất, giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Việc đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật cho các cụm công nghiệp sẽ giúp ngành Công nghiệp của Hà Nội phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa… Song, để các cụm công nghiệp phát huy được lợi thế thì điều tiên quyết là phải có hệ thống văn bản pháp luật nhất quán, cùng với những hướng dẫn chi tiết, cụ thể không chồng chéo ở những lĩnh vực liên quan… Đó là yếu tố cơ bản để bảo đảm rằng, cụm công nghiệp được xây dựng hoàn thiện, phát triển bền vững với hiệu quả dài lâu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.