(HNM) - “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, trọng dụng nhân tài là vấn đề mang ý nghĩa phổ quát trong tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong nhiều năm qua, thu hút và trọng dụng nhân tài là vấn đề luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước.
Điều đó được thể hiện qua Nghị quyết của Đảng qua các kỳ Đại hội, những văn bản pháp quy quan trọng như Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Thủ đô… cũng như Nghị quyết HĐND của nhiều tỉnh, thành phố như Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND, ngày 17-7-2013 của HĐND TP Hà Nội về chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô. Từ quan điểm định hướng của Đảng, các đạo luật đã được Quốc hội thông qua và chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài cụ thể của các địa phương, nhiều hoạt động thiết thực đã được tổ chức thực hiện nhằm huy động sự tham gia đóng góp của người tài, tạo môi trường thuận lợi để họ phát huy năng lực, khả năng sáng tạo.
Như tại Thủ đô, từ 14 năm qua kể từ khi triển khai thực hiện Pháp lệnh Thủ đô và Nghị quyết số 29/2002/NQ-HĐND (năm 2002) của HĐND TP Hà Nội về thu hút nhân tài, UBND TP Hà Nội đã duy trì chương trình thường niên nhằm tôn vinh các thủ khoa xuất sắc của các trường đại học, học viện trên địa bàn, thường xuyên tổ chức lễ tuyên dương, khen thưởng học sinh giỏi tiêu biểu trong các trường học phổ thông.
Từ đó đến nay, đặc biệt là sau khi ban hành Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND, hàng trăm thủ khoa xuất sắc đã được tuyển dụng theo cơ chế linh hoạt, được hưởng chế độ ưu đãi và được tạo điều kiện thăng tiến. Hằng năm, lãnh đạo thành phố đều có những buổi tiếp xúc, làm việc với đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ Thủ đô, lắng nghe ý kiến phản biện từ các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành và trân trọng mời gọi sự đóng góp cho sự nghiệp phát triển Hà Nội... Có thể nói, thu hút và trọng dụng hiền tài ở Thủ đô là phần việc được quan tâm đặc biệt, không chỉ thể hiện qua những quyết sách vĩ mô mà ở cả chương trình, hành động thực tế.
Tuy nhiên, sự đồng bộ giữa việc thu hút, tuyển dụng nhân tài và tạo điều kiện cho nhân tài phát huy năng lực, khả năng chuyên môn là chưa đạt so với yêu cầu. Thực tế cho thấy hiện tượng thủ khoa chọn hướng học tiếp ở nước ngoài và không trở về, hoặc khi trở về đã chọn các doanh nghiệp nước ngoài thay vì các đơn vị thuộc khối nhà nước. Nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội, đã đề ra mức ưu đãi cao nhất có thể, bao gồm phương án giải quyết nhu cầu về chỗ ở, phương tiện di chuyển, mức lương cao… nhưng một số nơi chưa thể đáp ứng đầy đủ yêu cầu về điều kiện trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, môi trường thăng tiến nghề nghiệp nên đã xảy ra hiện tượng người tài dứt áo ra đi.
Thu hút - tuyển dụng và sử dụng - phát triển nhân tài là hai mặt của một vấn đề, không thể tách rời hoặc coi nhẹ một mặt nào đó. Những hạn chế đã bộc lộ ở phần việc này cần được nhìn nhận kỹ lưỡng để tìm ra giải pháp khả thi, mục tiêu lớn nhất là chặn đứng đà “chảy máu chất xám”, tập trung nguyên khí quốc gia cho mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo cú hích mạnh mẽ cho nền kinh tế, tạo lợi thế nhờ tận dụng nguồn tài nguyên tri thức.
Muốn có được điều đó, nhất là trong việc sử dụng người tài, điều quan trọng là vận dụng sáng tạo mô hình việc làm theo hướng coi trọng tài năng thay vì thâm niên; bố trí người tài vào lĩnh vực công tác phù hợp khả năng chuyên môn; chú trọng tạo điều kiện để hoàn thiện cơ sở vật chất, môi trường công tác để kích thích khả năng lao động sáng tạo của nhân tài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.