(HNM) - Đến nay, 100% các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn thành phố Hà Nội đều thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”. Tuy nhiên, cơ sở vật chất tại bộ phận “một cửa” của các đơn vị, nhất là cấp xã còn chưa đồng bộ đã đặt ra nhiệm vụ sớm khắc phục để bảo đảm chất lượng tiếp nhận, giải quyết hồ sơ của tổ chức, công dân.
Nhiều thiết bị hỏng, xuống cấp
Hà Nội hiện có 648 bộ phận “một cửa”, trong đó có 39 bộ phận “một cửa” cấp sở, ngành; 30 bộ phận “một cửa” cấp huyện và 579 bộ phận “một cửa” cấp xã (không tính các cơ quan ngành dọc đóng trên địa bàn).
Thông tin từ UBND thành phố Hà Nội cho biết, cơ bản các đơn vị đã bố trí máy tính cho cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận “một cửa” để bảo đảm việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, công dân. Tuy nhiên, hiện có 39 bộ phận “một cửa” các cấp chưa đáp ứng đủ yêu cầu mỗi cán bộ, công chức có 1 máy tính thực hiện nhiệm vụ. Chưa kể, nhiều máy tính đã xuống cấp, thậm chí hỏng, ảnh hưởng tới công tác chuyên môn của cán bộ, công chức. Ngoài ra, hiện có 135 bộ phận “một cửa” các cấp chưa có đủ số lượng máy in kết nối với mỗi máy tính, hoặc có nhưng đã hỏng, không thể sửa chữa hay sử dụng được. Hầu hết các máy in đều đã cũ, được trang bị cách đây 4-8 năm, song chế độ bảo dưỡng, bảo hành không thường xuyên.
Tương tự, máy quét (scan) được xác định là thiết bị cần thiết và quan trọng trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính nhưng vẫn còn 60 bộ phận “một cửa” chưa có thiết bị này. Cùng với đó, nhiều nơi đã bố trí được máy lấy số tự động (phục vụ việc đăng ký thứ tự khi đến giao dịch), nhưng hiện có tới 400 bộ phận “một cửa” chưa triển khai. Điều đáng nói là trong số những nơi có máy lấy số tự động thì chỉ có 2 đơn vị có thiết bị hiện đại sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt (quận Hà Đông và huyện Hoài Đức), còn các đơn vị khác đang sử dụng thiết bị được trang bị đã 3-4 năm và theo khảo sát của Văn phòng UBND thành phố, có tới 128 thiết bị hỏng, không sử dụng được.
Sớm khắc phục
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hànộimới, sự quan tâm đầu tư, vận hành trang thiết bị không đồng đều ngay giữa các phường cùng trong nội thành Hà Nội, thậm chí giữa các xã trong cùng một huyện cũng khác nhau. Tiêu biểu như bộ phận “một cửa” của UBND phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) còn một số điểm chưa tốt như UBND phường Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm). Hay tại huyện Đông Anh, bộ phận “một cửa” của UBND xã Vĩnh Ngọc chưa được quan tâm sửa chữa, đầu tư thiết bị như tại UBND xã Mai Lâm.
Bên cạnh những khó khăn về trang thiết bị, diện tích bộ phận “một cửa” của nhiều đơn vị cũng là vấn đề nhiều năm qua chưa được giải quyết triệt để. Trong khi có những đơn vị cấp huyện đã bố trí được diện tích bộ phận “một cửa” rộng rãi như các quận, huyện: Hoàn Kiếm 200m2, Nam Từ Liêm 220m2, Quốc Oai 500m2 (theo quy định là 80m2), hoặc nhiều đơn vị cấp xã bố trí được diện tích 40m2 theo khuyến nghị; thì thực tế vẫn còn nhiều nơi “lực bất tòng tâm”, chỉ bố trí được diện tích rộng hơn 20m2, thậm chí một số nơi có 10m2 như tại UBND các phường Đồng Xuân, Phan Chu Trinh (quận Hoàn Kiếm).
Chị Nguyễn Thị Thanh Loan, công chức Văn phòng - Thống kê UBND xã Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh) cho biết: “Máy in và máy scan tại bộ phận “một cửa” hay hỏng hóc. Để khắc phục, trên máy in phải dán số điện thoại sửa chữa để khi cần là gọi, còn máy scan bị hỏng hiện chưa kịp sửa nên công chức phải thao tác quét tài liệu trên điện thoại nhằm giúp công dân nộp được hồ sơ”.
Theo Chủ tịch UBND phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) Nguyễn Trường Sinh, trước đây, do việc mua sắm tập trung nên quá trình vận hành, bảo trì, nâng cấp các thiết bị phải đề xuất dẫn tới chưa sửa chữa kịp thời. Cùng với đó, trụ sở UBND phường có diện tích nhỏ nên dù rất quan tâm đến việc bố trí bộ phận “một cửa” thuận lợi cho người dân nhưng vẫn chưa thể đáp ứng yêu cầu. “Trong năm 2023, sau khi đầu tư trang thiết bị để làm điểm mô hình bộ phận “một cửa” hiện đại tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm sẽ đầu tư nhân rộng ra các phường khác trên địa bàn”, ông Nguyễn Trường Sinh cho hay.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Đinh Mạnh Hùng cho biết, công tác cải cách hành chính là việc làm thường xuyên, liên tục. Do đó, các quận, huyện, thị xã nên quan tâm bố trí trang bị đồng bộ cho bộ phận “một cửa” để làm hài lòng người dân, doanh nghiệp và nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ của cơ quan hành chính nhà nước.
Thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4379/QĐ-UBND ngày 10-11-2022 phê duyệt “Đề án mô hình bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính hiện đại các cấp” trên địa bàn. Do đó, các đơn vị cần bám sát đề án này để chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nhằm bảo đảm sự đồng bộ, hiệu quả cho bộ phận “một cửa” trên toàn thành phố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.