Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đồng bộ các giải pháp

Hà Anh| 28/07/2022 07:28

(HNMCT) - Sáng 25-7, nhà máy điện rác tại Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đã chính thức vận hành giai đoạn 1 và hòa lưới điện quốc gia. Với tổng công suất xử lý 5.000 tấn rác/ngày, nhà máy điện rác đầu tiên ở Hà Nội (đồng thời là nhà máy điện rác lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay) sẽ giải quyết 60 - 70% lượng rác của Thủ đô.

Có thể nói, việc nhà máy điện rác ở Nam Sơn đi vào vận hành, trước đó là nhà máy điện rác thứ hai ở Hà Nội được khởi công hồi cuối tháng 3-2022 tại khu xử lý chất thải Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây), là tin vui đối với chính quyền và người dân Thủ đô.

Sau khi hai nhà máy này đi vào hoạt động, vấn nạn ô nhiễm môi trường (do chôn lấp rác) cũng như tình trạng rác thải ùn ứ, chất đống trên đường phố, bốc mùi hôi hám, ruồi nhặng... mỗi khi chuỗi thu gom - vận chuyển - xử lý rác bị “đứt gãy” chắc chắn sẽ giảm thiểu, thậm chí có thể giải quyết dứt điểm. Bên cạnh đó, việc “biến rác thành tiền” sẽ là “cú hích” khuyến khích các nhà đầu tư... Đó là “một mũi tên trúng hai đích”, giải quyết hiệu quả một vấn đề nóng của đời sống xã hội.

Tuy nhiên, chuyển đổi rác thành năng lượng mới chỉ là “đầu ra”. Để nhà máy điện rác vận hành trơn tru, duy trì hoạt động ổn định thì “đầu vào” - tức là khâu thu gom, vận chuyển rác - cũng phải tương thích với các giải pháp tiên tiến. Là khâu đầu tiên, đóng vai trò quan trọng trong chuỗi thu gom - vận chuyển - xử lý rác, thế nhưng việc phân loại rác từ đầu nguồn ở Hà Nội vẫn chưa có sự chuyển biến, dù lâu nay đã có khá nhiều đợt “ra quân” cũng như mô hình thí điểm. Thậm chí cách đây gần hai thập kỷ, từ năm 2006 Hà Nội đã thí điểm phân loại rác thải từ đầu nguồn, tuy nhiên sau một thời gian triển khai thí điểm tại 4 phường nội đô, thậm chí được đánh giá là khả quan, nhưng dự án đã phải ngừng (do hết tài trợ), để lại sự nuối tiếc trong dư luận.

Vấn đề càng đáng nói hơn khi đến thời điểm này, nhà máy điện rác ở Nam Sơn đi vào vận hành, đặc biệt là Nghị định 45/2022 “quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường”, trong đó có quy định về xử phạt cá nhân, hộ gia đình không phân loại rác thải sinh hoạt, sắp có hiệu lực (ngày 25-8-2022), thế nhưng phần lớn người dân vẫn “lạ lẫm” với chuyện phân loại rác từ đầu nguồn, tương tự là các động thái triển khai từ cơ quan chức năng (từ thông tin tuyên truyền đến quy trình tập kết, vận chuyển rác) còn nhiều hạn chế.

Nói thêm về chuyện này, mặc dù khu dân cư của tôi có nhóm Zalo thông báo gần như mọi hoạt động của khu dân cư và các cấp chính quyền (như việc tiêm vắc xin Covid-19, cấp căn cước công dân, lịch tổng vệ sinh...), vậy nhưng không có chút nhắc nhở nào về việc Nghị định 45/2022 sắp có hiệu lực, chưa thấy tuyên truyền, hướng dẫn phân loại rác từ đầu nguồn… Mọi chuyện vẫn hết sức “thong thả”, có lẽ vẫn còn phải chờ hướng dẫn của các cơ quan quản lý chuyên ngành và kế hoạch tổng thể của Thành phố.

Trao đổi với bạn bè, người thân mới hay đó không chỉ là chuyện ở khu vực nhà tôi. Thậm chí còn có vài ý kiến bày tỏ lo ngại về việc cho dù người dân có ý thức, nhiệt tình hưởng ứng chăng nữa nhưng khâu tập kết, vận chuyển rác mà vẫn theo quy trình cũ, vẫn hầm bà làng, lẫn lộn túi xanh với túi vàng (nhất là các chung cư cao tầng hiện đại vẫn sử dụng chung một ống máng xả rác) thì việc phân loại rác cũng không phát huy được tác dụng.

Nhà máy điện rác là một công nghệ tiên tiến trong xử lý rác thải và là xu hướng của thế giới do những tiện ích mà nó mang lại. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả tối ưu thì cần có nhiều giải pháp đồng bộ, cả “đầu ra” lẫn “đầu vào”, cả yếu tố kỹ thuật và yếu tố con người… Bởi thế, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân nhằm nâng cao ý thức chấp hành quy định phân loại rác từ đầu nguồn, cùng với đó là xử lý nghiêm các vi phạm về môi trường. Có như vậy Nghị định 45/2022 và Luật Bảo vệ môi trường 2020 mới đi vào cuộc sống, góp phần tích cực xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng xanh - sạch - đẹp, hiện đại, văn minh, phát triển bền vững, thực sự là một thành phố đáng sống và đáng đến!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đồng bộ các giải pháp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.