(HNM) - Những năm gần đây, ngành Du lịch Hà Nội có bước phát triển thấy rõ. Không quá ồn ào nhưng khá vững chắc nhờ nguồn tài nguyên du lịch dồi dào và sự tập trung cho các phần việc mang tính tạo nền tảng cho du lịch phát triển bền vững.
Số liệu thống kê cho thấy đà tăng trưởng đáng mừng. Năm 2016, tổng số khách du lịch đến Hà Nội đạt gần 22 triệu lượt, tăng 11% so với năm 2015, trong đó, tổng lượng khách du lịch nước ngoài đạt 4,02 triệu lượt, tăng 23% so với năm trước đó. Năm 2017 tiếp tục là năm đột phá của du lịch Thủ đô khi đón khoảng 23,83 triệu lượt khách (tăng 9% so với năm 2016 và vượt 1% so với kế hoạch), trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 4,95 triệu lượt (tăng 23% so với năm 2016 và vượt 15% so với kế hoạch). Tổng thu từ hoạt động du lịch trong năm 2017 ước đạt 70.958 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2016 và vượt 6,7% so với kế hoạch, đóng góp vào tốc độ tăng trưởng kinh tế 7,3% của thành phố trong năm nay.
Tuy vậy, khi đánh giá thành tựu nổi bật của ngành Du lịch Hà Nội trong 5 năm trở lại đây, sự tăng trưởng về lượng khách đến Thủ đô cũng như số thu từ hoạt động du lịch dường như không phải là điểm sáng nhất, bởi so với tiềm năng và thế mạnh, mức tăng trưởng nói trên được đánh giá là chưa tương xứng. Điều đáng được ghi nhận hơn cả nằm ở khía cạnh khác - tạo nền tảng, môi trường thuận lợi, xác lập những yếu tố cần thiết để phục vụ du lịch phát triển bền vững trong tương lai. Về mặt này, cần phải khẳng định rằng trong những năm gần đây, Hà Nội đã có nhiều cố gắng để tạo đường hướng và nền móng phát triển du lịch vững chắc.
Những quyết sách đúng đắn ở tầm vĩ mô, mà biểu hiện rõ nhất là việc ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26-6-2016 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo” đã tạo định hướng cơ bản và điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Những chương trình hành động của thành phố Hà Nội hướng tới mục tiêu cải cách hành chính, giữ gìn kỷ cương, bảo đảm môi trường “xanh - sạch - đẹp”; xây dựng lối sống, nếp sống thanh lịch, văn minh… đã giúp ích rất nhiều cho việc cải thiện môi trường và điều kiện phát triển du lịch.
Điều đó có thể thấy qua sức hút tại những điểm đến mang tính điểm nhấn như Hoàng thành Thăng Long, không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, Phố sách Hà Nội… cũng như những công trình nghệ thuật, chương trình giải trí được thực hiện theo phương châm xã hội hóa và mở rộng giao lưu quốc tế như “Thu vọng nguyệt” tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám hay “Phố bích họa” Phùng Hưng trong tương lai gần…
Khách quan mà nói, những thành quả nói trên mang tính liên ngành, có sự chung sức của cộng đồng chứ không chỉ ngành Du lịch. Những thành tựu và định hướng phát triển du lịch của thành phố cho thấy Hà Nội xác định rõ quan điểm “du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa và hội nhập quốc tế cao”, đã tập trung nguồn lực để thúc đẩy sự phát triển du lịch theo hướng đó.
Vấn đề hiện nay là cần tiếp tục thực hiện đồng bộ giải pháp mang tính liên ngành nhằm vun đắp cho nền tảng thêm vững chắc, mở rộng phạm vi và làm cho mối liên kết giữa các địa phương tại Thủ đô, giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố có thế mạnh về du lịch đi vào chiều sâu, thực chất, để Hà Nội không phải là một điểm đến đơn lẻ, mà trở thành đầu mối tiếp nhận, kết nối, phân phối khách đến các địa phương khác.
Đó là cách đúng đắn để du lịch Hà Nội phát triển bền vững, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.