(HNM) - Luật Du lịch 2017 đã chuyển tải những nội dung mới thể hiện tinh thần Nghị quyết số 08/NQ-TƯ ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị về việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Lực lượng thanh niên xung phong TP Hồ Chí Minh hỗ trợ, bảo đảm an toàn cho du khách. Ảnh: Anh Đức |
Nhiều điểm mới
Luật Du lịch 2017 vừa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018, có nhiều nội dung được chỉnh sửa, bổ sung nhằm thúc đẩy du lịch nước ta phát triển. Điểm nổi bật nhất của Luật Du lịch 2017 là Việt Nam chính thức thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch. Quỹ này được quy định thu từ các nguồn như vốn điều lệ do Nhà nước cấp; ngân sách nhà nước bổ sung trích từ thu phí tham quan, phí cấp thị thực và các phí liên quan; nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định pháp luật.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: “Ý tưởng vốn được xuất phát từ thực tế là nguồn hỗ trợ du lịch nước ta khiêm tốn so với các nước trong khu vực, và không đủ chi phí quảng bá hình ảnh đất nước. Một năm chỉ có thể tổ chức được vài đợt hội chợ du lịch ở nước ngoài là hết ngân sách”. Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2016 ngành Du lịch đóng góp khoảng 6,6% GDP cả nước, nhưng nguồn chi cho du lịch chỉ hơn 2 triệu USD/năm. Mức chi ngân sách quá ít, trong khi các nước trong khu vực như Thái Lan chi đến 200 triệu USD/năm để xúc tiến và quảng bá du lịch. Chính vì vậy, sự ra đời của Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch sẽ tạo ra nguồn lực tài chính vững mạnh để thúc đẩy các hoạt động quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.
Theo các chuyên gia, trong luật mới nhiều chính sách kịp thời được thay đổi nhằm tạo sự thuận tiện cho cả du khách và cơ sở kinh doanh du lịch. Điển hình phải kể đến việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ giữ quyền xếp hai hạng dịch vụ 4 sao và 5 sao thay vì từ 3 sao như trước, đồng thời mở rộng loại hình lưu trú thêm biệt thự du lịch, căn hộ du lịch.
Thực tế cho thấy, xu thế xây dựng căn hộ du lịch cho thuê rất phổ biến ở Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc) và du khách quốc tế rất thích sử dụng dịch vụ lưu trú này. Chị Lý Phương Thảo, chủ cơ sở kinh doanh căn hộ du lịch tại quận 1, TP Hồ Chí Minh cho biết: “Căn hộ du lịch được đưa vào luật là tin vui cho các hộ kinh doanh cơ sở lưu trú. Ngay khi Luật Du lịch được thông qua, chúng tôi đã tiến hành đầu tư cải tạo, nâng cấp 3 căn chung cư cũ ở địa bàn quận 1 để chuẩn bị đón khách nước ngoài thuê”.
Tương tự, anh Nguyễn Minh Công, chủ khách sạn Minh Tâm tại quận 3, TP Hồ Chí Minh nói: "Từ nay, cơ quan chuyên môn về du lịch sẽ cấp thẩm định cơ sở lưu trú du lịch hạng 3 sao trở xuống. Nhờ đó, các hộ kinh doanh cơ sở lưu trú sẽ mất ít thời gian hơn để chờ phân hạng”.
Cần quan tâm an ninh, an toàn cho du khách
Trong Điều 55 của Luật Du lịch 2017 quy định về các loại du lịch dịch vụ mới và Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển các loại hình: đầu tư xây dựng chuỗi nhà hàng, khu ẩm thực, khu ăn uống; đầu tư khu phố mua sắm, chuỗi mua sắm trưng bày đồ thủ công mỹ nghệ, lưu niệm; phát triển đầu tư du lịch thể thao, xây dựng chương trình nghệ thuật truyền thống và đương đại, kết nối hệ thống bảo tàng với các hoạt động du lịch; cung cấp dịch vụ khám sức khỏe, y tế.
Hiện nay, TP Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước về các phương thức đầu tư mới này với sự xuất hiện của các khu phố chuyên doanh như: khu phố vàng, bạc, đá trang sức (quận 5); khu phố đông y (quận 5); khu phố đi bộ Bùi Viện; khu hàng rong; khu chợ phiên cuối tuần. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vấn đề bảo đảm an ninh các khu phố này thời gian qua bị buông lỏng. Nhiều vụ việc gây mất an ninh trật tự xảy ra tại Phố đi bộ Bùi Viện đã khiến du khách lo lắng. Trước thực trạng này, nhiều năm qua UBND TP Hồ Chí Minh đã đề xuất thành lập Cảnh sát du lịch để bảo vệ du khách, nhưng trong Luật Du lịch 2017 không đề cập đến việc này và cũng chưa có phương án bổ sung lực lượng an ninh tăng cường.
Nhiều chuyên gia du lịch nhận định, trước mắt có thể lượng khách du lịch thu hút chưa được nhiều, vì thế việc có thêm Cảnh sát du lịch sẽ làm bộ máy nhà nước cồng kềnh. Nhưng trong tương lai, khi du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, số lượng du khách đến Việt Nam tăng gấp 3-5 lần thì cần thay đổi, bổ sung lực lượng Cảnh sát du lịch vì an ninh, an toàn điểm đến là một trong những tiêu chí quan trọng thu hút du khách. Trước mắt, các lực lượng chức năng, nhất là các cơ sở kinh doanh du lịch, chính quyền địa phương với vai trò, vị trí và trách nhiệm theo quy định cần tổ chức hoạt động du lịch cho du khách bảo đảm an toàn, thuận lợi và thể hiện rõ sự thân thiện, mến khách.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.