Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đón bắt “thời cơ vàng”

Song Linh| 15/04/2020 11:09

(HNNN) - Dịch Covid-19 hoành hành làm tê liệt, gây những tổn thất to lớn cho nền kinh tế toàn cầu. Việt Nam cũng không phải ngoại lệ, dù Đảng, Chính phủ đã có những quyết sách kịp thời, phù hợp vừa chống dịch hiệu quả vừa hạn chế tối đa tác động tiêu cực tới kinh tế - xã hội, “biến nguy thành cơ”, nền kinh tế vẫn có mức tăng trưởng cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.

Dự báo, tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ đạt khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021-2025.

Khi toàn cầu tiến hành biện pháp giãn cách, thậm chí phong tỏa, cách ly, nhịp vận động xã hội giảm mạnh kéo theo nhiều nhu cầu giảm theo nhưng thực phẩm thì không. Với tiềm năng, thế mạnh của mình, bối cảnh dịch bệnh đã mở ra một cơ hội lớn cho sản xuất, xuất khẩu nông sản Việt Nam. Càng thuận lợi hơn khi Nghị viện Châu Âu đã phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do với Việt Nam (EVFTA). Với khoảng 400 triệu dân, rõ ràng Liên minh Châu Âu (EU) là một thị trường đầy tiềm năng, nhất là khi nhiều nước thuộc liên minh bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19 . Bộ Công Thương nhận định EVFTA là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản. Sẽ không quá nếu nói đây là “thời cơ vàng”!

Nhưng không phải thời cơ đồng nghĩa với thành công! Vấn đề đặt ra là phải nhanh nhạy, nắm bắt “thời cơ vàng”, chuẩn bị sẵn sàng để sản xuất đáp ứng đúng thị hiếu, nhu cầu thị trường. Muốn vậy, trước hết phải nghiên cứu nhu cầu từ thị trường tiềm năng này sau đại dịch là gì, từ đó quy hoạch nuôi trồng phù hợp đáp ứng xuất khẩu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Đáng tiếc, quy hoạch và quản lý quy hoạch phát triển nông nghiệp vốn là điểm yếu của chúng ta mà minh chứng là thời gian qua đã có những đợt khủng hoảng thừa, phải kêu gọi “giải cứu” nông sản. Kế đó là phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến đáp ứng yêu cầu chất lượng của các thị trường khó tính, bởi lẽ theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, trình độ công nghệ chế biến nông sản của Việt Nam chỉ ở mức độ trung bình của thế giới, một số ngành hàng thậm chí ở mức thấp, lạc hậu.

Những hạn chế đó cần sớm được khắc phục với sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ của “4 nhà” (nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông). EU luôn là thị trường khó tính. Và dù bị ảnh hưởng nặng nề do dịch, nhưng với tiềm lực kinh tế của mình, đòi hỏi chất lượng từ thị trường này chắc hẳn sẽ không giảm. Cơ hội mở ra không chỉ dành riêng cho Việt Nam và để nắm bắt cơ hội thành công, rất cần sự nhanh nhạy, chủ động từ doanh nghiệp đến mỗi nông dân, trong đó vai trò đầu tàu của các doanh nghiệp rất quan trọng. Đón bắt thành công cơ hội này, mục tiêu vào nhóm 15 quốc gia sản xuất nông nghiệp hàng đầu thế giới vào năm 2030 sẽ càng gần hơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đón bắt “thời cơ vàng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.