Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đối thoại Shangri-La - Cơ chế an ninh tích cực

Minh Hiếu| 05/06/2018 06:36

(HNM) - Sau 3 ngày thảo luận sôi nổi, hội nghị thường niên về an ninh quan trọng bậc nhất Châu Á mang tên Đối Thoại Shangri-La, diễn ra tại Singapore, đã khép lại.

Với 5 phiên thảo luận, bộ trưởng quốc phòng và các quan chức của hơn 50 nước đến với hội nghị năm nay đã cùng đề cập tới nhiều vấn đề an ninh nóng nhất của khu vực. Trong đó, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải tại Biển Đông là những chủ đề được quan tâm đặc biệt.

Đối thoại Shangri-La tiếp tục là một cơ chế tích cực để giải quyết các vấn đề nóng về an ninh.


Khi cộng đồng quốc tế đang trông đợi cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên, dự kiến diễn ra ngày 12-6 tới cũng tại đảo quốc Sư tử, những diễn biến tích cực trong thời gian gần đây là điểm sáng thúc đẩy việc giải quyết câu chuyện khó khăn này. Lần đầu tiên Đối thoại Shangri-La dành một phiên toàn thể để bàn về tình hình tại Đông Bắc Á, dù đây vẫn luôn là vấn đề được nhắc tới trong các cuộc thảo luận ở những năm trước. Các nước nhất trí cho rằng, hiện đã có những bước tiến tích cực, song còn cả chặng đường dài để đi đến mục tiêu một bán đảo Triều Tiên không có hạt nhân. Bên lề Đối thoại Shangri-La 2018, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đã có hội đàm chung, trong đó nhất trí hợp tác chặt chẽ nhằm hối thúc Bình Nhưỡng thực hiện những bước đi cụ thể hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược.

Tuy không phải là chủ đề thảo luận chính thức, song trước những diễn biến căng thẳng gần đây, tình hình Biển Đông liên tục được đề cập và trở thành tâm điểm trong nhiều phiên thảo luận của Shangri-La 2018. Điều đó cho thấy, an ninh, hòa bình tại Biển Đông không phải là mối quan tâm của một quốc gia riêng rẽ nào mà nằm trong lợi ích của nhiều nước tại khu vực và thế giới. Mở màn phiên họp toàn thể đầu tiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khẳng định, tự do, an toàn, an ninh hàng hải và hàng không tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm Biển Đông, là một trong những giá trị cốt lõi trong chiến lược của Mỹ. Washington lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ các hành động gần đây của Trung Quốc tại Biển Đông và nhấn mạnh, không một quốc gia nào có thể giữ vai trò “thống trị” ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Tôn trọng luật pháp quốc tế, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình để bảo đảm tự do, an toàn hàng hải trên tuyến đường huyết mạch của thế giới này cũng là quan điểm nhất quán được đề cập trong phát biểu của các quan chức quốc phòng hàng đầu các nước. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne cho rằng, để bảo đảm ổn định và phát triển, các nước cần duy trì nguyên tắc cơ bản như đối thoại, cạnh tranh trong khuôn khổ nguyên tắc và luật lệ, không áp đặt trong quan hệ quốc tế. Chia sẻ quan điểm này, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly ủng hộ xây dựng bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và khẳng định rõ, không chấp nhận cái gọi là “thực trạng đã rồi” ở vùng biển này.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh, là nước đóng vai trò tích cực và ngày càng quan trọng tại khu vực được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, Việt Nam kiên quyết bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, đồng thời cũng tôn trọng lợi ích của các quốc gia khác phù hợp với luật pháp quốc tế. Đặc biệt, các bên có liên quan cần thể hiện trách nhiệm trong việc xây dựng một trật tự trên biển, để Biển Đông thật sự là vùng biển hòa bình, hợp tác và hữu nghị.

Thông qua các phiên thảo luận cởi mở, thẳng thắn và thực chất, Đối thoại Shangri-La tiếp tục thể hiện vai trò là một cơ chế an ninh tích cực, là diễn đàn để các bên chia sẻ quan điểm và hướng tới những giải pháp mang tính xây dựng cho các thách thức đang nổi lên tại khu vực. Những ý kiến được đưa ra tại hội nghị một lần nữa cho thấy, hợp tác, đối thoại và tuân thủ luật pháp quốc tế là những giá trị cốt lõi để các nước cùng giải quyết bất đồng, duy trì hòa bình, an ninh, hướng tới một môi trường phát triển thịnh vượng cho khu vực và toàn cầu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đối thoại Shangri-La - Cơ chế an ninh tích cực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.