(HNM) - Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội đã và đang tích cực thực hiện “Năm dân vận chính quyền” 2019, trọng tâm là công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo, tập trung giải quyết triệt để tình trạng khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài. Một trong những giải pháp được thành phố đặc biệt quan tâm, chỉ đạo là tăng cường đối thoại với nhân dân, lắng nghe và giải quyết kịp thời các vấn đề người dân bức xúc, không để phát sinh điểm nóng...
Trong quá trình vận động, phát triển với tốc độ khá nhanh của thành phố Hà Nội không tránh khỏi những vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm, quyền lợi của một số tập thể, cá nhân. Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, trong không ít trường hợp khi người dân có kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo thì chính quyền cơ sở không kịp thời tiếp xúc, đối thoại, giải quyết. Có những vụ việc rất đơn giản nhưng không được giải quyết kịp thời, thái độ ứng xử của cán bộ, công chức không đúng mực đã trở thành những vụ khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài. Bên cạnh đó, có những nhiệm vụ lớn như liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án... nếu chính quyền không sớm đối thoại, giải đáp, thông tin minh bạch có thể gây bức xúc đối với người dân, trở thành điểm nóng mất an ninh trật tự.
Đơn cử như việc triển khai dự án đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Theo ông Nguyễn Thành Công (phường Láng Thượng, quận Đống Đa), dự án này còn vướng mắc do một số hộ dân chưa đồng tình và kiến nghị, chủ đầu tư dự án cần chứng minh sự minh bạch giữa lợi ích của Nhà nước, của doanh nghiệp, của người dân. Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Đống Đa Lê Anh Tuấn, đại diện chủ đầu tư dự án cho biết, đơn vị đã gặp gỡ các hộ gia đình trong diện giải phóng mặt bằng không đồng tình với dự án và tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành đối thoại, làm rõ những vấn đề nhân dân quan tâm để hoàn thành dự án.
Thực tế, thời gian qua nhiều địa phương đã thực hiện có hiệu quả việc đối thoại với nhân dân, đem lại kết quả thực chất. Như ở quận Hai Bà Trưng, Chủ tịch UBND quận Vũ Ðại Phong cho rằng, chính nhờ sâu sát cơ sở, lắng nghe và đối thoại kịp thời với người dân, quận đã thực hiện hiệu quả nhiệm vụ giải phóng mặt bằng đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến cầu Mai Ðộng phục vụ dự án cải tạo, mở rộng đường Vành đai 2. Tại huyện Phú Xuyên, bên cạnh việc đối thoại định kỳ hoặc đột xuất khi có vấn đề nhân dân bức xúc, Bí thư, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND huyện còn đối thoại với đại diện nông dân, phụ nữ… để tiếp thu các kiến nghị và thông tin, giải đáp những vấn đề người dân còn băn khoăn.
Cũng là một hình thức gần gũi nhân dân, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Trần Đức Hoạt cho biết, từ năm 2016 đến nay, quận đã gửi 30.046 thư chúc mừng, 1,421 thư chia buồn, 67 thư xin lỗi tới tổ chức, công dân..., qua đó người dân hiểu và thông cảm hơn với hoạt động của chính quyền...
Tuy nhiên, thực tế tại nhiều địa phương vẫn còn tình trạng chính quyền cơ sở ngại ngần trong đối thoại, tiếp xúc với nhân dân khi có vấn đề xảy ra. Chính vì vậy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phải tiếp tục chú trọng thực hiện “Năm dân vận chính quyền” 2019, trong đó thực hiện nền nếp việc tiếp công dân, tăng cường gặp gỡ, đối thoại với người dân, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân ngay từ khi mới phát sinh tại cơ sở, không để khiếu kiện vượt cấp.
Một trong những mục tiêu của “Năm dân vận chính quyền” 2019 mà thành phố đề ra là phải giảm thiểu tình trạng khiếu kiện, nhất là khiếu kiện kéo dài, vượt cấp. Muốn vậy, chính quyền cần lắng nghe, giải quyết kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân thông qua tiếp xúc, đối thoại một cách thẳng thắn, có lý, có tình, đúng pháp luật...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.