(HNM) - Quan hệ đối tác xuyên Ấn Độ Dương giữa châu Phi với quốc gia có số dân lớn thứ hai thế giới - Ấn Độ vừa đạt được bước tiến mới tại Diễn đàn Cấp cao châu Phi - Ấn Độ lần thứ hai vừa kết thúc ngày 25-5 tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia.
Cùng với cam kết tăng cường xây dựng quan hệ đối tác chặt chẽ hơn nữa giữa hai bên, sự kiện Ấn Độ dành cho Lục địa đen khoản vay lên tới 5 tỷ USD để phát triển kinh tế trong ba năm tới được xem là điểm nổi bật nhất của diễn đàn.
Đẩy mạnh hợp tác với châu Phi có giúp Ấn Độ giải tỏa cơn khát năng lượng? |
Không quá ngạc nhiên trước sự hào phóng của New Delhi với Lục địa đen trong bối cảnh nhiều nền kinh tế chưa thoát khỏi khó khăn. Ba năm trước, Ấn Độ cũng từng đưa ra một gói hỗ trợ tương tự. Rõ ràng, châu Phi ngày càng trở nên có giá hơn với những quốc gia muốn vươn tầm ảnh hưởng tới lục địa giàu tiềm năng này. Trong bài phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã hết lời ca ngợi châu Phi đang sở hữu tất cả những điều kiện cần thiết để trở thành một trong những trọng tâm phát triển kinh tế của thế giới trong thế kỷ XXI. Để góp phần biến những tiềm năng đó thành hiện thực, không có lý do gì ngăn cản được sự hợp tác chặt chẽ của Ấn Độ với châu lục này.
Là một trong những đối tác kinh tế hàng đầu của châu Phi, việc Ấn Độ không ngừng gia tăng sự hiện diện ở châu lục giàu tài nguyên thiên nhiên này càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Không khỏi ngạc nhiên khi thương mại song phương giữa Ấn Độ và các nước Liên minh châu Phi (AU) chỉ vỏn vẹn ở mức 1 tỷ USD năm 2001 đã vọt lên 40 tỷ USD vào năm 2010. Con số này dự kiến sẽ đạt 70 tỷ USD đến năm 2015. Đầu tư của Ấn Độ tại châu Phi hiện chiếm gần 1/3 tổng giá trị đầu tư tại nước ngoài của nước này, trong đó chủ yếu tập trung vào các ngành dầu khí, viễn thông, giao thông công cộng và công nghệ thông tin.
Theo khung hợp tác Ấn - Phi được đưa ra sau Diễn đàn Cấp cao lần thứ nhất tại New Delhi (Ấn Độ) năm 2008, năng lượng là một trong bảy lĩnh vực ưu tiên hàng đầu mà hai bên cam kết đẩy mạnh hợp tác. Trong bối cảnh nền kinh tế hơn 1,2 tỷ dân khát năng lượng này được dự báo sẽ phải nhập khẩu tới 90% nguồn cung cấp dầu mỏ vào năm 2050, việc Ấn Độ mở rộng đường đua tới châu Phi nhằm đa dạng hóa nguồn cung năng lượng cũng là điều không quá khó hiểu. Xuất phát từ nhu cầu thiết thực đó, trong vòng ba năm qua, Ấn Độ đã ký một loạt thỏa thuận khai thác dầu mỏ với nhiều quốc gia châu Phi như Nigeria, Angola, Sudan… Không chỉ đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực khai thác khí tự nhiên và dầu mỏ, các công ty của Ấn Độ còn quan tâm đến những dự án năng lượng nhiều tiềm năng chưa khai thác hết tại Côte d'Ivoire, Ghana và Bắc Phi…
Dường như chưa bao giờ thế giới được chứng kiến cuộc đua tranh ảnh hưởng một cách quyết liệt đến thế giữa Ấn Độ và Trung Quốc tại Lục địa đen như hiện nay. So với Bắc Kinh, New Delhi có phần chậm chân hơn trong cuộc đua này khi các nhà đầu tư Trung Quốc đã được trải thảm đỏ ở châu Phi trong gần một thập niên qua. Tuy nhiên, do tầm vóc và sức mạnh của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này, Ấn Độ không còn cách nào khác phải chọn cách tiếp cận khác. Nếu Trung Quốc tập trung vào các ngành khai thác khoáng sản, dầu lửa, xây dựng cơ sở hạ tầng thì Ấn Độ lại chú trọng đến đầu tư tư nhân, hỗ trợ các nỗ lực của châu Phi trong phát triển cơ sở hạ tầng, hội nhập khu vực và phát triển nhân lực... Rõ ràng khi sự quan tâm của Ấn Độ với châu Phi gia tăng, những so sánh của quốc gia Phật giáo này với sự hiện diện của Trung Quốc tại châu Phi là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, Thủ tướng Manmohan Singh trong một phát biểu gần đây vẫn khẳng định "Thế giới đủ lớn để tiếp nhận tham vọng tăng trưởng của cả Ấn Độ lẫn Trung Quốc".
Được tổ chức ba năm một lần, Diễn đàn Cấp cao châu Phi - Ấn Độ lần thứ hai vừa khép lại đã xác định một cấu trúc kinh tế, chính trị mới giữa hai đồng minh từng sát cánh bên nhau trong cuộc đấu tranh giành độc lập. Không chỉ như vậy, quá trình hợp tác xuyên Ấn Độ Dương còn dự báo về một trụ cột mới có tầm ảnh hưởng lớn không chỉ trong khu vực mà còn trên phạm vi toàn cầu trong tương lai gần.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.