Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đổi mới từ “gốc”

Thống Nhất| 14/12/2013 05:44

(HNM) - Ngày 13-12, Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức hội thảo về nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh (HS) lớp 1, với mục tiêu tìm ra những giải pháp cụ thể để tạo chuyển biến về mọi mặt đối với HS đầu cấp tiểu học.


Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh lớp 1 sẽ tạo nền tảng vững chắc để các em phát triển trong tương lai. Ảnh: Bảo Kha



"Xây nền" cho một thế hệ học trò

Chủ trương quan tâm đặc biệt tới việc dạy, học ở lớp 1 được Hà Nội khởi xướng từ năm học trước và đến năm học này đã được quán triệt tới mọi trường học. Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ cho rằng, việc tổ chức hội thảo là cần thiết và quan trọng để cùng bàn bạc, đưa ra những giải pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho cả một thế hệ, bắt đầu từ "gốc" là lớp 1. Cũng theo Giám đốc Sở GD-ĐT, để có một thế hệ HS phát triển toàn diện, các nhà trường phải lưu ý đến việc lựa chọn GV dạy lớp 1, nhất là về kỹ năng, phương pháp dạy học. Ngoài ra còn phải tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho HS lớp 1 và những điều kiện hỗ trợ khác…

Việc lựa chọn GV dạy lớp 1 như thế nào là nội dung được các nhà trường tập trung bàn luận. Mỗi nhà trường đều có cách lựa chọn GV theo tiêu chí riêng và cho là cần thiết, phù hợp với đơn vị. Theo khảo sát của Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT), việc GV quá nghiêm túc, khô cứng cũng sẽ khiến HS khó gần. Thực tế còn cho thấy, đôi khi những GV dạy giỏi nhất trường chưa chắc đã dạy tốt ở lớp 1. Theo bà Bùi Thị Thu Hằng, Phòng Giáo dục huyện Đan Phượng, GV lớp 1 trên địa bàn ngoài yêu cầu về tuổi đời, tuổi nghề còn phải phát âm chuẩn. Còn đại diện Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Nghĩa Đô (Cầu Giấy) cho biết, nhà trường đặc biệt chú ý đến kỹ năng sư phạm và phương pháp dạy học của GV dạy lớp 1.

Việc làm thế nào để thu hút được GV giỏi, phù hợp để dạy lớp 1- lớp vất vả nhất ở cấp tiểu học là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ, Nghị quyết số 29-NQ/TƯ đã xác định vị trí, vai trò then chốt của GV, vì vậy, các phòng GD-ĐT, nhà trường phải thể hiện sự quan tâm cụ thể với GV, trong đó có GV lớp 1; đồng thời phải tạo ra sự khác biệt của GV lớp 1 với các khối lớp khác về chế độ, chính sách, bởi họ có những yêu cầu, nhiệm vụ khác biệt. Các đơn vị cần tăng cường tham mưu với chính quyền địa phương để có chính sách hỗ trợ GV lớp 1. Với trách nhiệm của mình, Sở GD-ĐT cũng sẽ có những tác động cần thiết để góp phần giúp cho đội ngũ này có thêm động lực, chuyên tâm làm nhiệm vụ.

Điều chỉnh hình thức kiểm tra, đánh giá

Điểm mới đối với giáo dục tiểu học năm nay là điều chỉnh hình thức kiểm tra, đánh giá theo hướng tăng cường đánh giá bằng nhận xét và khuyến khích không cho điểm HS lớp 1. Để tạo thuận lợi cho cơ sở khi triển khai và áp dụng thống nhất trên địa bàn, Sở GD-ĐT Hà Nội đã ban hành hướng dẫn về đánh giá HS lớp 1 để áp dụng tạm thời từ nay đến cuối năm học. Theo đó, GV chỉ được cho điểm HS ở bài kiểm tra định kỳ cuối học kỳ I và bài kiểm tra định kỳ cuối năm học. Việc cho điểm này cũng chỉ áp dụng đối với môn toán và môn tiếng Việt. Sở GD-ĐT cũng yêu cầu các trường không cho điểm kiểm tra thường xuyên, điểm kiểm tra định kỳ giữa kỳ. Các nhà trường, GV không được dùng điểm số để đánh giá năng lực nhận thức và kết quả học tập hằng ngày của HS dưới bất kỳ hình thức nào, kể cả cho điểm thưởng.

Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tế, có không ít băn khoăn theo nhiều GV, việc đánh giá bằng nhận xét với định hướng khích lệ sự tiến bộ của từng HS, không chê trách và so sánh giữa các HS khiến GV sẽ vất vả hơn thêm nữa, việc đánh giá không thể tiến hành thường xuyên. Còn theo phản ánh từ phụ huynh, đây đôi khi cũng là một trở ngại bởi không biết chính xác thực lực của con để hỗ trợ kịp thời. Trong trường hợp kết quả học tập của con được thể hiện bằng điểm số thì việc "định lượng" của họ thường đơn giản, dễ hình dung hơn. Tại hội thảo, có ý kiến thẳng thắn cho rằng việc đánh giá bằng nhận xét theo chủ trương mới chưa hiệu quả, phù hợp, bởi nếu cô có đánh giá bằng nhận xét, dù khen hay chê thì HS cũng không hiểu, bởi HS lớp 1 chưa biết đọc. Có nơi chuyển sang dùng biểu tượng mặt cười, mặt méo để HS qua đó mà đoán biết ý kiến của cô giáo. Vì vậy, nhiều nhà trường đề xuất Bộ GD-ĐT nên có hướng dẫn chi tiết hơn và có tập huấn để GV tường tận cách làm và triển khai thống nhất, tránh mỗi nơi một kiểu. Như vậy, việc đổi mới kiểm tra đánh giá mới đạt mục tiêu nâng cao chất lượng.

Giải pháp về giảm số lượng HS trong một lớp để mọi HS đều được quan tâm thường xuyên và toàn diện hơn được đánh giá là cần thiết, có tác dụng trong việc nâng cao hiệu quả dạy, học, song không phải nơi nào cũng làm được. Nếu như những trường tiểu học địa bàn các huyện thường có sĩ số trung bình khoảng trên dưới 30 HS/lớp, thì tại nhiều trường khu vực nội thành như các quận Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàn Kiếm… số HS mỗi lớp đều vượt quá quy định, phổ biến là gần 50 HS/lớp. Việc xây mới trường, bổ sung phòng học không phải là việc có thể làm ngay và riêng ngành GD làm được. Khó khăn chủ yếu được xác định là quỹ đất. Vì vậy, để đạt được mục tiêu chung, điều cần thiết tiếp tục có sự đồng hành của các lực lượng xã hội trong việc giải quyết những vấn đề của nhà trường trên địa bàn Thủ đô.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới từ “gốc”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.