(HNM) - Sau hơn 30 năm đổi mới, cùng với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong đổi mới kinh tế, Đảng ta chủ trương từng bước đổi mới hệ thống chính trị.
Toàn cảnh bế mạc Hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN) |
1. Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "... Chú ý bảo đảm tính đổi mới, tổng thể, hệ thống, đồng bộ, liên thông; kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển; đổi mới tích cực, mạnh mẽ, nhưng không nôn nóng từ cực này nhảy sang cực kia; gắn đổi mới bộ máy tổ chức với đổi mới phương thức lãnh đạo, với tinh giản biên chế và cải cách tiền lương; xử lý hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội...". Đây là vấn đề nền móng, căn cốt nhất - nguyên tắc cơ bản cần phải được quán triệt và duy trì trong toàn bộ tiến trình đổi mới hệ thống chính trị.
Từ năm 1986, Đảng Cộng sản Việt Nam nhất quán quan điểm: Đổi mới hệ thống chính trị không nhằm mục tiêu tạo ra một hệ thống chính trị mới hay thay đổi bản chất của hệ thống chính trị hiện nay, mà thực hiện đổi mới theo hướng hoàn thiện để khắc phục các bất cập, yếu kém, tạo nên sự phù hợp của hệ thống chính trị với các yêu cầu của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đổi mới hệ thống chính trị nhằm giữ vững ổn định chính trị, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, chống lại mọi âm mưu “diễn biến hòa bình”, mọi biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ngay trong nội bộ. Đổi mới hệ thống chính trị để củng cố và tăng cường mở rộng nền tảng xã hội của hệ thống chính trị, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, tạo ra sự đồng thuận xã hội để thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển. Đổi mới hệ thống chính trị luôn phải bảo đảm và nâng cao vị trí, vai trò cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, nâng cao sức chiến đấu của Đảng.
Những nguyên tắc mà Tổng Bí thư nêu lên là nhằm đạt đến mục tiêu và phương châm bất biến nêu trên; đồng thời nhằm không để các thế lực thù địch, các phần tử xấu lợi dụng xuyên tạc, chống phá, chia rẽ nội bộ.
2. Yêu cầu đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ngày càng cao. Vì vậy, Ban Chấp hành Trung ương khẳng định, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là một nhiệm vụ cơ bản và cấp bách, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu, được đặt trong tổng thể nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Thực tế, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc; việc kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức kết quả còn thấp… Cho đến nay, chưa kể đến tổ chức, biên chế trong công an, quân đội và khu vực doanh nghiệp nhà nước, cả nước đã có khoảng 58.000 đơn vị sự nghiệp công lập với 2,5 triệu biên chế. Trước đó, tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng từng giải trình: Trong bối cảnh chi thường xuyên cao, nợ công, bội chi "ngấp nghé" vượt trần, không còn cách nào khác là phải tiết kiệm chi; đẩy mạnh khoán chi thường xuyên và sắp xếp lại tổ chức, tinh giản biên chế. Thời gian qua, dù ngành Tài chính cố gắng siết, giảm chi, nhưng bộ máy biên chế tiếp tục "phình" ra thì rất khó có thể cơ cấu lại ngân sách.
Đó là chưa kể hàng loạt bất cập đang tồn tại trong tổ chức bộ máy, cơ chế vận hành khiến cho hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của hệ thống chính trị chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ và nguồn lực mà ngân sách nhà nước bỏ ra, cũng như sự tin tưởng, kỳ vọng của nhân dân.
3. Nhu cầu đổi mới cấp thiết như vậy, nhưng không phải đổi mới bằng mọi giá, đổi mới hệ thống chính trị nhất quyết phải thực hiện cho bằng được những nguyên tắc mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra. Các cấp, các ngành phải nghiêm túc thực hiện nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo xây dựng và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của hệ thống chính trị; phát huy đầy đủ, đúng đắn vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và quyền làm chủ của nhân dân.
Vì lẽ đó, chúng ta hoàn toàn đồng tình với những định hướng mà Trung ương đã xem xét, thảo luận và đi đến thống nhất ban hành Nghị quyết một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đó là những nội dung có ý nghĩa thực tiễn trước mắt và lâu dài rất quan trọng, như: Cần khẩn trương nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu, điều kiện cụ thể của nước ta trong giai đoạn mới; rà soát, quy định chặt chẽ hơn về biên chế, số lượng cán bộ, công chức, viên chức; chú ý quy định số lượng cấp phó tối đa của mỗi tổ chức phù hợp với đặc điểm của từng cấp, từng ngành, từng địa phương; có chính sách phù hợp để giảm phạm vi, đối tượng bổ nhiệm cấp "hàm". Cùng với đó là xây dựng cơ chế cạnh tranh, công khai, minh bạch trong tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ để thu hút người thực sự có đức, có tài vào làm việc trong các tổ chức của hệ thống chính trị; rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn các đầu mối bên trong của các tổ chức thuộc hệ thống chính trị theo nguyên tắc một tổ chức có thể đảm nhiệm nhiều việc; một việc chỉ do một tổ chức chủ trì và chịu trách nhiệm chính, gắn với việc cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức... Tăng cường phân cấp, phân quyền hợp lý giữa cấp trên với cấp dưới, giữa trung ương và địa phương. Xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ quyền lực bằng các quy định của pháp luật, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch và thường xuyên kiểm tra, giám sát, đề cao trách nhiệm giải trình; xây dựng chế tài và xử lý nghiêm những cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu có vi phạm…
Đây là những định hướng thể hiện tư duy đổi mới quyết liệt và tinh thần khoa học rất cao của Trung ương Đảng. Những quyết sách đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) cần thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ với quyết tâm chính trị cao. Đúng như trong phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Tổng Bí thư nêu rõ: “Tập trung ưu tiên triển khai ngay những việc đã rõ, đã chín và được Trung ương nhất trí cao; còn đối với những việc chưa đủ rõ, quá phức tạp, ý kiến còn khác nhau nhiều thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, quyết định sau, làm từng bước, chắc chắn”.
Đổi mới hệ thống chính trị là một trong những nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa chiến lược to lớn. Muốn thành công, nhất định phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, bền bỉ và đặc biệt là không xa rời những nguyên tắc có ý nghĩa nền móng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.