Muốn công tác xúc tiến, quảng bá du lịch tạo được bước đột phá, từ đó mang lại hiệu quả cao trong thu hút du khách, đặc biệt là khách quốc tế, ngành Du lịch cần tận dụng mọi nguồn lực, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các địa phương, đơn vị để xây dựng chiến lược quảng bá, xúc tiến bài bản, chuyên nghiệp.
Công tác xúc tiến, quảng bá cần rõ tính tổng thể mà không làm chìm khuất nét riêng của từng nơi, đạt tới sự đồng bộ trên nhiều phương diện với những cách làm mới, sáng tạo.
Hànộimới Cuối tuần giới thiệu ý kiến của nhà quản lý, chuyên gia về vấn đề này.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu:
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Du lịch là thực hiện Chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt theo Quyết định số 440/QĐ-BVHTTDL ngày 2-3-2023. Để định vị Việt Nam là “Điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á”, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam, Chiến lược đưa ra hàng loạt giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm, như đổi mới, đa dạng hóa các hình thức marketing du lịch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, triển khai đa dạng, linh hoạt các hình thức truyền thông marketing phù hợp với mục tiêu, yêu cầu của từng thị trường, từng giai đoạn; tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ marketing du lịch...
Chiến lược đã khẳng định sự cần thiết của việc hình thành các văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài. Đây là giải pháp tốt nhằm tăng cường hiệu quả xúc tiến, quảng bá ở các thị trường quốc tế trọng điểm, cũng là mong mỏi đã lâu của các doanh nghiệp du lịch và toàn ngành Du lịch Việt Nam.
Để thực hiện Chiến lược, ngành Du lịch đã xây dựng hàng loạt chương trình hành động, tổ chức xúc tiến, quảng bá trong thời gian tới. Trong đó, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam xây dựng và triển khai các chiến dịch marketing du lịch theo các thị trường trọng điểm (Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Tây Âu, Bắc Âu, Bắc Mỹ, Australia...), theo các loại hình sản phẩm du lịch có thế mạnh, tiềm năng. Các sản phẩm trọng điểm được tập trung quảng bá là những sản phẩm cao cấp, chất lượng như du lịch golf, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch sinh thái, MICE... Ngoài ra, các hoạt động liên kết marketing vùng sẽ được tập trung triển khai.
Các địa phương, đơn vị cần tận dụng công nghệ, thực hiện xúc tiến, quảng bá trên các nền tảng số. Công cuộc chuyển đổi số trong hoạt động du lịch, trong đó có phần việc liên quan tới xúc tiến, quảng bá là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển du lịch bền vững, thu hút nguồn khách quốc tế đa dạng, tăng trải nghiệm cho du khách.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Hồng Minh:
Tăng cường liên kết các địa phương
Hiện nay, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch đang được các địa phương quan tâm, đầu tư, tuy nhiên vẫn mang tính nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết chặt chẽ nên bức tranh xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam thiếu nét tổng thể, hiệu quả hạn chế. Trong du lịch, sự liên kết, hợp tác rất quan trọng bởi vì “muốn đi xa thì nên đi cùng nhau”. Tôi hy vọng, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam với vai trò là “nhạc trưởng” có thể tạo sự liên kết giữa các địa phương để cùng đóng góp, xây dựng kế hoạch xúc tiến, quảng bá chung. Hà Nội rất muốn được chung tay, cộng hưởng trong chiến dịch liên kết này, chẳng hạn như cùng các tỉnh, thành phố phối hợp làm các thủ tục hợp tác với kênh truyền hình quốc tế như CNN, BBC...
Hiện nay, chúng ta chưa có văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài nhưng hoàn toàn có thể phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại các quốc gia để tổ chức hoạt động xúc tiến, quảng bá văn hóa, du lịch.
Thành phố Hà Nội đang tận dụng mọi nguồn lực, cơ hội để tăng cường xúc tiến, quảng bá trên các lĩnh vực. Thành phố đã giao cho Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các đơn vị thực hiện công tác truyền thông, quảng bá các hoạt động chung của Thành phố, trong đó có du lịch.
Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố có rất nhiều cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của Trung ương và Thành phố, mỗi nơi đều có chương trình riêng như giới thiệu làng nghề, sản phẩm OCOP, quảng bá văn hóa áo dài... Đây đều là cơ hội để thu hút khách du lịch, vì thế, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà tổ chức sự kiện với các cơ quan, đơn vị thực hiện các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch, tranh thủ các sự kiện này để tạo hiệu quả lớn hơn trong việc thu hút khách quốc tế.
Các cơ quan ngoại giao, Đại sứ quán các nước đều có trụ sở đặt tại Hà Nội, thường xuyên tổ chức các hoạt động giới thiệu, quảng bá văn hóa, du lịch các nước. Hằng năm, Sở Du lịch Hà Nội vẫn phối hợp với các đại sứ quán, cơ quan ngoại giao tổ chức nhiều sự kiện có tính quảng bá lớn. Rất nhiều hình ảnh đẹp, điểm đến hấp dẫn của Hà Nội đã được đăng tải trên mạng xã hội, fanpage của các đại sứ quán, góp phần không nhỏ lan tỏa hình ảnh văn hóa, du lịch Hà Nội đến với bạn bè quốc tế. Đây là kênh quảng bá tốt, cần tiếp tục tận dụng một cách chủ động, sáng tạo nhằm tạo hiệu quả lớn hơn.
Tổng Giám đốc Công ty Oxalis Adventure Nguyễn Châu Á:
Thu hút nguồn lực để xúc tiến, quảng bá du lịch qua điện ảnh
Thực tế đã chứng minh, ở các quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, New Zealand, Mỹ, Anh, Nhật Bản..., nhờ điện ảnh mà nhiều điểm đến trở nên nổi tiếng, thu hút lượng lớn khách du lịch trên khắp thế giới đến tham quan.
Tại Việt Nam, mới đây, bộ phim “A Tourist’s Guide to love” ("Hành trình tình yêu của một du khách") của Netflix đã tạo nên cơn sốt, góp phần kích cầu du lịch tại 6 địa điểm chính: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hội An, Mỹ Sơn và Hà Giang. Hay trước đó, bộ phim “Kong: Đảo đầu lâu” của Hollywood do đạo diễn
Vogt - Roberts thực hiện với nhiều cảnh quay tuyệt đẹp tại một số địa danh du lịch nổi tiếng tại Quảng Ninh, Ninh Bình và Quảng Bình cũng tạo sức hút đáng ghi nhận với du khách khi đến Việt Nam.
Tiềm năng thu hút du lịch thông qua điện ảnh tại Việt Nam là rất lớn vì chúng ta có cảnh quan đẹp với hệ thống hang động, sông suối, đường bờ biển kéo dài, nhiều nơi còn giữ được vẻ hoang sơ. Điều quan trọng là phải thu hút được sự chú ý của các nhà sản xuất, hãng phim quốc tế bằng cách nào?
Theo tôi, khi xác định điện ảnh là một trong những kênh quảng bá du lịch hiệu quả thì cần có chính sách phù hợp để thu hút nguồn lực đầu tư. Nhà nước xây dựng cơ chế với những quy định phù hợp để kêu gọi những doanh nghiệp lớn trong nước đầu tư; làm việc với những nhà sản xuất phim quốc tế nổi tiếng để họ đến khảo sát địa điểm và sản xuất phim. Ngoài ra, cần có chiến dịch quảng bá, đầu tư có chiều sâu, thể hiện rõ bản sắc, phù hợp với tiềm năng và văn hóa, lịch sử Việt Nam.
Vào tháng 9-2024, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam sẽ cùng Indochina Productions Hoa Kỳ và Oxalis Adventure phối hợp tổ chức chương trình xúc tiến du lịch - điện ảnh (Vietnam Expo in Hollywood) tại Los Angeles, Hoa Kỳ, nhằm mang những hình ảnh ấn tượng, cảnh quan đa dạng của Việt Nam đến với khán giả toàn cầu. Đây là cơ hội lớn để Việt Nam đẩy mạnh chiến dịch xúc tiến, quảng bá du lịch thông qua điện ảnh một cách hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.