(HNM) - Xuất phát từ những đặc thù của nông nghiệp, nông thôn Việt Nam, nhất là những điều kiện để phát triển kinh tế hộ và kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã, kể từ khi Luật Hợp tác xã năm 2012 được ban hành, đi vào cuộc sống thì các hợp tác xã đã có những khởi sắc.
Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, đến nay, hầu hết các hợp tác xã chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, lạc hậu về công nghệ, chất lượng sản phẩm thiếu sức cạnh tranh, rất ít hợp tác xã xây dựng được nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm. Nhiều hợp tác xã gần như chỉ dừng lại ở khâu tập trung xã viên vào sản xuất, chứ chưa phát huy được vai trò liên kết. Chưa kể, không ít người tham gia hợp tác xã chỉ với mục đích tiếp cận các chính sách ưu đãi về tín dụng hoặc nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước, chứ chưa xem đây là nơi để cùng hợp tác nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong khi đó, nhiều hợp tác xã có nhu cầu về vốn thực sự để đầu tư, mở rộng sản xuất thì khó tìm được nguồn vốn.
Ngoài ra, nhiều hợp tác xã chưa phát huy được vai trò trong xây dựng chuỗi sản xuất từ khâu cung ứng đến tiêu thụ, chưa có mô hình quản lý khoa học để thu hút và tạo niềm tin cho thành viên, xã viên… Điều đó đã kéo theo hiệu quả kinh tế, thu nhập của các thành viên, xã viên không cao. Đây là nguyên nhân chính làm cho xã viên chưa thật sự gắn bó với các hợp tác xã; không tự nguyện góp vốn để đầu tư phát triển sản xuất...
Thực tế cho thấy, những yếu kém, hạn chế của các hợp tác xã thời gian qua cũng đã được chỉ rõ. Trong bối cảnh đó, việc đổi mới, phát triển mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng vì gắn liền với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Để Luật Hợp tác xã năm 2012 phát huy tối đa hiệu quả, thúc đẩy hợp tác xã phát triển mạnh mẽ hơn cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trước hết là nâng cao trách nhiệm chính trị của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu ở mỗi bộ, ban, ngành trung ương, địa phương về đổi mới tư duy phát triển hợp tác xã.
Cùng với đó là tiếp tục rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện về cơ chế, chính sách cho hợp tác xã, tạo hành lang pháp lý bình đẳng giữa các thành phần kinh tế với hợp tác xã. Nghiên cứu, áp dụng một số cơ chế, chính sách riêng cho hợp tác xã, nhất là cơ chế chính sách về đất đai, vốn, hỗ trợ các dự án chuyển giao kỹ thuật vào sản xuất, giải quyết vấn đề thị trường; sửa đổi các văn bản liên quan nhằm tạo lực đẩy cho hợp tác xã như: Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, xây dựng, ban hành Nghị định về bảo hiểm nông nghiệp.
Một trong những yêu cầu không thể thiếu là các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường chỉ đạo, xây dựng, nhân rộng các mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả, phát triển liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị nhằm tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho thành viên. Việc tạo lập môi trường thuận lợi cho các hợp tác xã phát triển qua thực thi các nhóm chính sách hỗ trợ phù hợp cũng đặc biệt quan trọng. Đó là tháo gỡ khó khăn đối với hệ thống chính sách về đất đai cho các hợp tác xã, chính sách tín dụng cho các mô hình, tập trung vào việc nâng định mức vay, đơn giản hóa thủ tục, hỗ trợ thủ tục cho vay, thực hiện các chính sách thu hút cán bộ trẻ, có trình độ về làm việc tại các hợp tác xã…
Thực tiễn đã chứng minh, nếu hoạt động hợp tác xã được phát huy sẽ mang lại nhiều kết quả tích cực. Tất nhiên, muốn như vậy, bản thân các hợp tác xã cũng phải chủ động tiếp tục đổi mới để phát triển bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.