(HNM) - Ngày 2-1, trả lời phỏng vấn báo chí, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ đã đưa ra một số nhận định
Đó là một kỳ vọng cho năm mới và tất nhiên không chỉ riêng ông Vương Đình Huệ cảm thấy lạc quan, bởi trên thực tế, năm 2014 vừa qua tuy còn rất nhiều khó khăn, song kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định, điều mà nhiều chuyên gia cho rằng sẽ là bàn đạp tốt cho "sức bật" năm 2015, tiếp tục xu thế phục hồi tăng trưởng. Dự báo tốc độ tăng trưởng quý I-2015 sẽ là 5,4%, cao hơn cùng kỳ năm 2014. Xu hướng này sẽ tiếp tục trong các quý tiếp theo và mục tiêu tăng trưởng 6,2% cả năm 2015 là khả thi.
Cái chính bây giờ là một "động lực thôi thúc" khi mà thực tế sự hồi phục của nền kinh tế chưa tạo được động lực đủ mạnh để bứt phá qua giai đoạn trầm lắng hiện nay. Ở tầm vĩ mô, tại kỳ họp Quốc hội tháng 10 vừa qua, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh đưa ra nhận định: Việt Nam đã qua thời kỳ dài tăng trưởng kinh tế dựa vào vốn, bán tài nguyên dạng thô và lao động giá rẻ. Các động lực ấy giờ đã cạn kiệt. "Nếu không thay đổi về chất thì không thể có mức tăng trưởng 7-8%, may lắm chỉ giữ mức hiện nay. Việt Nam cần đổi mới thể chế để tìm ra những động lực mới".
Nhưng động lực mới sẽ là gì? Câu trả lời được đưa ra là: "Thể chế kinh tế", "cơ sở hạ tầng" và "chất lượng nguồn nhân lực". Chúng ta bước vào năm mới 2015 với tình hình giá xăng dầu xuống thấp kỷ lục trong vòng nhiều năm gần đây. Một tín hiệu được cho là đáng mừng hơn lo, bởi hàng loạt mặt hàng và dịch vụ sẽ giảm giá. Đây chính là cơ hội để kích cầu và phát triển sản xuất. Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong điều hành chính sách để giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ tăng trưởng tín dụng, đẩy mạnh nhiều dự án đầu tư công một cách có kiểm soát... Các giải pháp này đã giúp nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Thế nhưng, chừng nào chương trình tái cơ cấu nền kinh tế còn chưa mang lại hiệu quả thiết thực, năng suất lao động chưa tăng thì nền kinh tế chưa đủ động lực để bứt phá. Chúng ta cũng cần xác định rõ khu vực nào của nền kinh tế có nhiều tiềm năng phát triển, có thể trở thành động lực cho nền kinh tế khi mà khu vực nhà nước chưa làm tốt điều này. Nhiều chuyên gia cho rằng nên đặt niềm tin mạnh mẽ hơn với khu vực kinh tế tư nhân.
Nhưng dù thế nào thì những tín hiệu tích cực để lại sau năm 2014 cũng cho thấy nhiều yếu tố thuận lợi nhằm hướng tới xây dựng một nền kinh tế bền vững. Chúng ta có quyền đặt niềm tin và hy vọng vào những "động lực thôi thúc" cho năm mới 2015!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.