(HNM) - Mối quan hệ có
Cuộc trưng cầu dân ý diễn ra cách đây ít ngày do đảng Nhân dân cánh hữu khởi xướng không phải là mong muốn của toàn bộ cử tri Thụy Sĩ. Tuy nhiên, phe chống nhập cư ồ ạt đã thu được 50,3% phiếu thuận - một tỷ lệ rất sít sao nhưng cũng đủ để cản trở Hiệp định tự do đi lại của các công dân Châu Âu hay còn gọi là Schengen mà Bern đã ký với EU vào năm 1999.
Quyết định hạn chế người nhập cư sẽ khiến Thụy Sĩ đối mặt nhiều khó khăn trong quan hệ với EU. |
Dù không phải là thành viên của EU nhưng Thụy Sĩ có quan hệ thương mại với nhiều nước trong liên minh 28 quốc gia này và áp dụng nhiều chính sách của EU. Theo tính toán, hiện có 400.000 công dân Thụy Sĩ sống tại các nước EU, nhiều người trong số họ có hai quốc tịch. Trong khi đó, có hơn một triệu công dân EU đang sinh sống tại Thụy Sĩ. Tính riêng năm 2013, nước này đã đón nhận 80.000 người nhập cư mới. Tuy nhiên, phe dân túy cánh hữu lại cho rằng người nhập cư đang gây áp lực lên thị trường việc làm, cơ sở hạ tầng và chính sách phúc lợi xã hội của Thụy Sĩ.
Việc thông qua quyết định này có thể coi là một thắng lợi của phe dân tộc cực hữu, tuy nhiên kết quả cuộc trưng cầu dân ý sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực cho Thụy Sĩ. Bern sẽ phải thương thuyết lại các hiệp định cho phép công dân từ các nước EU đi lại tự do và sẽ phải soạn thảo luật đề ra hạn ngạch về số người Châu Âu nhập cư. Đây là vấn đề nan giải bởi nhiều năm qua EU đã xem các thỏa thuận này như một điều kiện không thể thiếu để Thụy Sĩ có thể tham gia thị trường thống nhất Châu Âu. Nếu bị tách khỏi thị trường này, nền kinh tế Thụy Sĩ sẽ gánh chịu hậu quả nặng nề bởi EU là đối tác thương mại quan trọng nhất chiếm 78% thị trường nhập khẩu và 57% xuất khẩu hàng hóa trong năm 2011. Thương mại dịch vụ và đầu tư trực tiếp nước ngoài của EU chiếm ưu thế tại Thụy Sĩ. Chưa kể, các doanh nghiệp Thụy Sĩ ngày càng phụ thuộc vào lao động tay nghề cao đến từ các nước Châu Âu khác. Vì vậy, hạn chế nhập cư cũng đồng nghĩa với việc các tập đoàn công nghệ sẽ bị mất lợi thế cạnh tranh vì không còn được tự do tuyển dụng lao động từ các quốc gia EU.
Bên cạnh những thiệt hại về kinh tế, việc giáng một đòn mạnh vào biểu tượng của quá trình nhất thể hóa Châu Âu sẽ khiến Thụy Sĩ đứng trước nguy cơ bị cô lập về chính trị tại Cựu lục địa. Bằng chứng là ngay sau khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý tại Thụy Sĩ được công bố, các nhà lãnh đạo Châu Âu đã có phản ứng rất gay gắt về vấn đề này. Ủy ban Châu Âu (EC) đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp vào chiều 10-2 nhằm đánh giá lại toàn diện quan hệ EU - Thụy Sĩ. Dự kiến, trong thời gian tới các hiệp định song phương được ký kết trong lĩnh vực nông nghiệp, giao thông hoặc nghiên cứu sẽ được xem xét lại. Một số nhà quan sát cho rằng động thái của Thụy Sĩ sẽ ảnh hưởng tới vị thế thành viên của nước này trong khối Schengen và trước mắt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các cuộc đàm phán về việc EU tạo điều kiện cho các công ty tài chính Thụy Sĩ dễ dàng tiếp cận thị trường tiềm năng này.
Để xoa dịu tình hình, Ngoại trưởng Thụy Sĩ Didier Brukhalter cũng đã lên đường đến thủ đô một số nước thành viên quan trọng của EU mà điểm dừng chân đầu tiên là Đức, nhằm giải thích về cuộc trưng cầu dân ý và tìm kiếm những giải pháp phù hợp. Tuy nhiên, trong bối cảnh Thụy Sĩ đang trải qua một giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của các cuộc khủng hoảng tài chính, nền kinh tế trì trệ thì sự chia rẽ với EU sẽ mang đến cho quốc gia có sự hội nhập sâu rộng với Châu Âu một tương lai nhiều thử thách.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.