(HNM) - Với nhiều gia đình, Tết gắn liền với chiếc bánh chưng xanh truyền thống, nhưng với người làng Giang Xá, thị trấn Trạm Trôi (huyện Hoài Đức), ngày tết, ngày lễ, không thể thiếu đĩa bánh bác.
Bánh được cắt và gói thành từng cái nhỏ. |
Mở đầu câu chuyện về nguồn gốc bánh bác, Trưởng thôn Nguyễn Đức Mạnh cho biết, với người Giang Xá, bánh bác chính là biểu tượng của làng, nó "khai sinh" cùng thời Lý Nam Đế lập quốc. Trong rất nhiều miền quê cùng thờ Lý Nam Đế, làng Giang Xá là một trong những nơi thờ tự chính. Để biểu thị tấm lòng tôn kính, người dân Giang Xá đã sáng tạo ra bánh bác để dâng vua. Thời xưa, bánh do các trưởng lão trong làng làm riêng để tiến vua. Sau này, người dân truyền nhau cách làm, rồi bánh bác dần xuất hiện trong các sự kiện lớn của làng như lễ hội, cưới xin hay làm quà biếu khách quý. Hễ con gái Giang Xá lấy chồng lại thách cưới nhà trai bằng tráp bánh bác. Vì thế người Giang Xá có câu: "Dù ai chồng chán, vợ chê/Ăn miếng bánh bác lại về với nhau".
Nghệ nhân Đỗ Phú Thủ, nay 74 tuổi nhưng đôi tay làm bánh vẫn thoăn thoắt. Ông Thủ đã được truyền dạy cách làm bánh bác từ nhỏ, rủ rỉ kể. Muốn làm bánh bác ngon, phải chọn đúng gạo nếp cái hoa vàng, đỗ xanh hạt to, mới. Gạo ngâm 2-3 tiếng rồi đem xay, nén cho thật mịn. Nửa số gạo được trộn với gấc để tạo màu đỏ xen lẫn màu trắng. Nhân bánh được đồ chín bằng đậu xanh trộn đường. Bánh chỉ được đun bằng gốc rạ hoặc củi, độ nóng vừa đủ. Nếu dùng bếp ga hay bếp than, bánh rán sẽ không được thơm, mùi vị gạo nếp, màu đỏ tươi của gấc sẽ không còn. Mỡ dùng để rán bánh phải là mỡ lợn thăn, không được dùng dầu ăn, tỷ lệ mỡ và độ lửa sẽ quyết định độ dẻo, thơm của bánh. Bắt đầu cho bánh lên chảo, tay phải liên tục tán, trải đều, kín miệng chảo. Đặc biệt, bánh phải được nén bằng tay và lật liên tục khi rán. "Để bánh bác ngon thì phải "luộc bằng mỡ, lật bằng tay".
Nghệ nhân Đỗ Phú Thủ nén từng miếng bánh bác trên chảo. Ảnh: Đào Huyền |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.