(HNM) - Tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 8-9 vừa qua, lãnh đạo bộ đã kiến nghị Thủ tướng xem xét và chỉ đạo đơn vị chức năng cấp phép cho hai tập đoàn viễn thông được tham gia hạ tầng thanh toán điện tử.
Máy bán nước tự động thanh toán qua ZaloPay - một hình thức thanh toán di động được ưa chuộng hiện nay. |
Nhiều lợi thế
Những năm gần đây, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, từ đó khuyến khích phát triển các hình thức thanh toán điện tử. Thực tế, thanh toán điện tử tại Việt Nam ra đời vào năm 2008 với mô hình đầu tiên là "ví điện tử" và có nhiều doanh nghiệp đang cung cấp loại hình này. Cũng từ năm 2008, Công ty VNPT EPAY (doanh nghiệp do VNPT góp vốn 35%) được cấp phép kinh doanh trong lĩnh vực thanh toán điện tử và đang là một trong số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lớn trên thị trường. Mới đây, Tổng công ty Truyền thông VNPT (thành viên của Tập đoàn VNPT) ra mắt ứng dụng VNPT Pay - một nền tảng thanh toán tập trung - giúp khách hàng thanh toán các dịch vụ từ trả cước phí viễn thông, các giao dịch thương mại... Nhưng, nói đến thanh toán điện tử phải kể đến Viettel với dịch vụ Bankplus, được cung cấp từ đầu năm 2011 với mục tiêu biến chiếc điện thoại thành một điểm giao dịch ngân hàng.
Trở lại với đề xuất của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) kể trên, Quyền Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng kiến nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước cấp phép cho các tập đoàn Viettel, VNPT tham gia hạ tầng thanh toán điện tử. Trong đó, cho phép hai doanh nghiệp trên làm dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, làm trung gian kết nối các ngân hàng và các doanh nghiệp, các doanh nghiệp và cá nhân. Theo Quyền Bộ trưởng, các doanh nghiệp viễn thông đều có tiềm lực mạnh về khoa học, công nghệ, tài chính, có hạ tầng và kênh bán hàng khắp cả nước, từ đó có thể tận dụng các thế mạnh sẵn có, góp phần thúc đẩy hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng cho rằng, các công ty truyền thông có nhiều điểm lợi khi tham gia thị trường thanh toán điện tử. Theo phân tích của Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, nhà mạng có một loạt lợi thế, đó là hạ tầng mạng lưới phủ rộng khắp cả nước, lại sở hữu lượng thuê bao di động lớn và tỷ lệ người dùng điện thoại thông minh ngày càng cao. Do vậy, nhà mạng có thể cung cấp được nhiều dịch vụ khác, trong đó có thanh toán điện tử.
Thêm doanh nghiệp làm chuyển mạch tài chính
Được biết, hạ tầng thanh toán điện tử ở nước ta do Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) chịu trách nhiệm. NAPAS ra đời từ năm 2016 - là trung tâm chuyển mạch thẻ thống nhất - dựa trên cơ sở sáp nhập Công ty cổ phần Chuyển mạch tài chính quốc gia Việt Nam (Banknetvn) với Công ty cổ phần Dịch vụ thẻ Smartlink. NAPAS hiện là đơn vị trung gian thanh toán duy nhất được Ngân hàng Nhà nước cấp phép cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính và dịch vụ bù trừ điện tử tại Việt Nam.
Như vậy, với việc Bộ TT-TT đề xuất được cấp phép cho hai tập đoàn Viettel, VNPT tham gia chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử thì đây sẽ là những trường hợp đầu tiên được xem xét cấp phép ngoài ngành Ngân hàng. Hiện, NAPAS là tổ chức có sự tham gia của các ngân hàng trong hệ thống nhà nước và các ngân hàng thương mại. Vậy, đề nghị của Bộ TT-TT liệu có được chấp thuận?
Trả lời kiến nghị của Bộ TT-TT tại buổi làm việc ngày 8-9, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan quản lý đã nhận được đề nghị của Tập đoàn Viettel xin được cung cấp dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử (chưa có hồ sơ) và chưa nhận được đề nghị bằng văn bản của Tập đoàn VNPT. Để tránh bất cập, từ năm 2014, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các đơn vị được cấp phép làm chuyển mạch thẻ trước đây sáp nhập thành 1 đơn vị (NAPAS ra đời). Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị khi Bộ TT-TT đã có ý kiến như vậy, các doanh nghiệp Viettel, VNPT cần sớm hoàn thiện hồ sơ để Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến góp ý của các bộ, ngành và trình Chính phủ quyết định việc có hay không cấp phép.
Bình luận về việc này, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc cấp phép cho các công ty viễn thông sẽ tạo môi trường công bằng và bình đẳng khi có nhiều thành phần doanh nghiệp tham gia. Tuy nhiên, các doanh nghiệp được cấp phép phải đủ điều kiện để được thiết lập hạ tầng thanh toán điện tử; đồng thời cần chú ý đến vấn đề bảo mật cho khách hàng. Cùng quan điểm này, có ý kiến cho rằng, hạ tầng mạng viễn thông và hạ tầng thanh toán gắn với an ninh quốc gia, trong khi đó các nhà mạng đều là các doanh nghiệp nhà nước lớn, do vậy Nhà nước sẽ có công cụ để giám sát và quản lý thuận lợi. Câu chuyện các công ty công nghệ tham gia lĩnh vực tài chính, ngân hàng là xu hướng tất yếu, do vậy Nhà nước nên cấp phép và có công cụ để giám sát quản lý, thay vì để các doanh nghiệp nước ngoài đang thực hiện chuyển mạch tự do mà không kiểm soát được.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.