Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thanh toán điện tử và các xu hướng kỹ thuật số tiếp tục phát triển tại Việt Nam sau Covid-19

Hoàng Linh| 31/05/2023 16:15

(HNMO) - Ngày 31-5, nghiên cứu về thái độ thanh toán của người tiêu dùng do Visa công bố cho thấy, người tiêu dùng tại Việt Nam đang nhanh chóng thích nghi với thanh toán số và ngày càng hạn chế sử dụng tiền mặt khi thực hiện giao dịch.

Ảnh minh họa.

Theo nghiên cứu, đại dịch Covid-19 đã thay đổi hành vi của người tiêu dùng trên toàn thế giới và Việt Nam không ngoại lệ. Tỷ lệ người dùng Việt sử dụng thanh toán bằng thẻ hoặc ví điện tử đã tăng trên mọi nhóm độ tuổi. Hiện, 66% người dùng thanh toán thẻ trực tuyến, 70% thanh toán ví điện tử trực tuyến hoặc trong ứng dụng. Tỷ lệ thanh toán bằng mã QR gia tăng vượt bậc, với 61%. Có tới 90% người được khảo sát đã thực hiện giao dịch thanh toán không tiền mặt và 77% tin rằng họ có thể không dùng tiền mặt trong 3 ngày.

Điều này cho thấy xu hướng nói không với tiền mặt của người tiêu dùng, thậm chí mang theo ít tiền mặt hơn và ít sử dụng tiền mặt để thanh toán. Hai lý do phổ biến nhất khiến người dùng hạn chế mang tiền mặt là nguy cơ bị mất hoặc bị đánh cắp, và thực tế là ngày càng có nhiều doanh nghiệp tạo điều kiện và áp dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Tỷ lệ lựa chọn các phương thức thanh toán kỹ thuật số cũng ngày càng gia tăng. Theo kết quả nghiên cứu, có tới 90% người tiêu dùng Việt quan tâm đến hình thức ngân hàng số. Điều này đồng nghĩa tiềm năng phát triển ngân hàng số tại Việt Nam là rất lớn, vì hiện mới chỉ 30% người trưởng thành sử dụng dịch vụ này. 

Cũng trong năm 2023, người tiêu dùng ghi nhận các xu hướng sinh hoạt mới hậu Covid-19, bao gồm việc chi tiêu tại các điểm bán lẻ và quản lý tài chính. Nghiên cứu cho thấy, người dùng tại Việt Nam đã sử dụng dịch vụ giao hàng tận nhà nhiều hơn, trong đó thanh toán trước khi giao hàng qua các phương thức trực tuyến là phổ biến nhất. Có 85% người tiêu dùng đã sử dụng dịch vụ giao hàng tận nhà lần đầu tiên trong thời kỳ đại dịch. Trong tương lai, nhóm này kỳ vọng 80% giao dịch sẽ được thực hiện trực tuyến và nhận hàng tại nhà. Việc cung cấp các dịch vụ thanh toán trực tuyến và giao hàng tận nhà sẽ là lợi thế để các doanh nghiệp phát triển kinh doanh.

Những thói quen mua sắm mới cũng được nghiên cứu ghi nhận. Cụ thể, có 64% người tiêu dùng mua sắm trên các nền tảng trực tuyến lớn và doanh nghiệp hộ gia đình. Những thói quen chi tiêu này đã phần nào phản ánh xu hướng sau Covid-19 là sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử và phần lớn người tiêu dùng đón nhận các hành vi mua sắm mới.

Sự thay đổi thói quen tiết kiệm và chi tiêu nêu trên đồng nghĩa, trong tương lai, các doanh nghiệp sẽ cần bắt kịp với những thay đổi liên tục đang và sẽ diễn ra trong hành vi của người tiêu dùng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thanh toán điện tử và các xu hướng kỹ thuật số tiếp tục phát triển tại Việt Nam sau Covid-19

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.