(HNM) - Cả nước hiện có hơn 400.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động, chiếm khoảng 97% tổng số DN.
Các chuyên gia xác nhận, DN có nhu cầu vay vốn là điều bình thường và nếu dựa vào một phần vốn vay mà phát triển tốt, tạo việc làm cho người lao động, nộp ngân sách là đáng khích lệ. Tuy nhiên, quá trình tìm vốn vay và để vay vốn là vấn đề không đơn giản. Hiện, khoảng 30% DN chưa thể tiếp cận nguồn vốn vay, 30% số DN khác cho biết "khó tiếp cận" vốn vay trong khi một số DN chưa xác định rõ được mức độ cụ thể. Chỉ khoảng 10% DNNVV vay vốn thành công. Nguyên nhân có nhiều, nhưng chủ yếu vẫn là việc DN không có dự án khả thi, thiếu các điều kiện cần và đủ để vay vốn; trong đó phổ biến nhất là thiếu tài sản thế chấp. Trên thực tế, đã có không ít DN đã từng được vay vốn nhưng làm ăn không hiệu quả, rơi vào tình trạng không thể trả nợ và điều đó cũng là nguyên nhân dẫn đến việc các NH không thể mạo hiểm để tiếp tục cho DN đó vay.
Theo VCCI, DNNVV càng đóng vai trò quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế và như vậy càng cần nhận được sự hỗ trợ, nhất là về vốn để hoạt động ổn định, để đứng vững trên thương trường. Chính phủ khẳng định chủ trương tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn vay, bảo đảm khả năng thanh khoản, triển khai các chương trình liên kết giữa NH và DN theo từng vấn đề hoặc ngành nghề… tức là bảo đảm nguồn lực cho hoạt động của DN; tạo ra sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Các DN mong muốn NH tăng cường cho vay thông qua hình thức tín chấp, tức là tháo gỡ khó khăn cho DN khi họ thiếu tài sản thế chấp. NHNN đang chỉ đạo các NH thương mại xem xét khả năng cho DN vay bằng phương thức này. Ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội DN công nghiệp hỗ trợ Hà Nội cho biết, tổ chức này luôn hướng tới sự hợp tác chặt chẽ với các NH và đang trông đợi vào sự cung cấp vốn từ NH mạnh hơn thông qua các chương trình vay vốn cụ thể, nhất là sau sự liên kết, cung ứng linh kiện của họ cho các DN Nhật Bản.
Một số DN cũng tự nhận thức rằng, muốn vay được vốn thì mỗi đơn vị cần làm sáng tỏ hiệu quả sản xuất, mục tiêu sử dụng vốn vay; tập trung vào việc minh bạch hóa thông tin, định hướng kinh doanh, phương án vay và trả nợ. DN cũng cần có chuyên gia đủ năng lực viết, trình bày để thuyết phục NH hiểu, đồng ý "mở hầu bao" cho vay. Đây là yêu cầu sát sườn đối với DN và thực tế cho thấy đến nay còn nhiều đơn vị chưa thành công trong việc thể hiện với NH về phương án kinh doanh liên quan đến việc vay vốn. Ngoài ra, DN mong muốn NH nghiên cứu khả năng tiếp tục hạ lãi suất bởi hiện chỉ số giá tiêu dùng đang thấp và dự báo sẽ tăng ở mức rất thấp khi kết thúc năm 2015; từ đó tạo điều kiện cho DN giảm bớt gánh nặng, an tâm vay vốn.
TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ cho rằng, DN và NH đều lấy lợi nhuận làm mục đích, vì vậy, cần có sự cởi mở, đồng thuận từ cả hai bên. Để đi đến quyết định cho vay vốn bằng tín chấp, mỗi NH cần có đội ngũ chuyên gia giỏi để thẩm định tính khả thi của một dự án. Còn theo TS Cấn Văn Lực, ở các nước khác, DN có thể vay vốn từ các quỹ đầu tư phát triển, nhà tài trợ kết hợp với vay của NH. Trong khi DN Việt chỉ "quen" vay NH và trở thành "tập quán" mặc định từ lâu. Cũng vì vậy, gánh nặng cung cấp vốn đương nhiên do NH đảm nhận; nhưng nếu DN không vay được vốn của NH thì gần như khó có thể tìm được nguồn vay khác…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.