(HNM) - Trước khó khăn kéo dài của doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02 nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Tuy nhiên, hơn 2 tháng trôi qua, nhưng việc cụ thể hóa Nghị quyết vẫn đang còn bỏ ngỏ.
Khó lớn nhất: Niềm tin!
"Năm 2013, nếu không làm gì thì chỉ mất 1-2 tỷ đồng, trong khi nếu đầu tư thì sẽ mất hàng chục tỷ, thậm chí nhiều hơn", ông Trương Phú Cường, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và vật liệu xây dựng thành phố thuật lại lời các doanh nghiệp (DN) tại buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố với DN ngày 12-3. Theo ông Cường, cái khó lớn nhất không chỉ là bất động sản đóng băng, hàng tồn kho, lãi suất cao mà là niềm tin của người tiêu dùng về sản phẩm, về DN và niềm tin của DN về môi trường kinh doanh chưa được cải thiện.
Doanh nghiệp đang rất cần các giải pháp hỗ trợ. |
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh cho biết, sự "mất lòng tin" giữa DN với DN, DN và ngân hàng khiến sản xuất kinh doanh càng khó khăn hơn.Về phía DN, do hàng tồn kho hoặc bán chưa thu được tiền nên họ gặp khó về lượng tiền mặt để thanh toán, dẫn đến tình trạng chiếm dụng vốn lẫn nhau hoặc không có khả năng thanh toán. Phía ngân hàng thì nghi ngờ khả năng thanh toán của DN nên không dám cho vay; cá nhân có tiền nhàn rỗi cũng không dám đầu tư… Điều này dẫn đến thực trạng ngân hàng chỉ tìm đến các DN lớn để cho vay với lãi suất thấp, còn những DN vừa và nhỏ (DNVVN), đối tượng cần vốn nhất thì không biết xoay xở ra sao.
Ông Văn Đức Mười, Chủ tịch Hội Lương thực - thực phẩm TP Hồ Chí Minh, Tổng Giám đốc Công ty Vissan thẳng thắn cho biết, công ty của ông không gặp khó khăn khi có nhu cầu vay vốn, nhưng 198 DNVVN của Hội thì đang phải vay phổ biến với lãi suất 13-14%/năm và rất khó tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng. Còn theo Hiệp hội DN TP, đa số DNVVN vẫn phải đang vay ở mức 18-21%/năm dù Ngân hàng Nhà nước đã có thông báo mức lãi suất cho vay với đối tượng này từ 13% xuống còn 12%, áp dụng từ ngày 24-12-2012.
Tuy nhiên, theo khảo sát đầu năm của Hiệp hội DN TP, lãi vay cao và tiếp cận vốn chưa phải là khó khăn nhất của DN (chiếm 76% DN được khảo sát) mà đứng đầu là chi phí, lệ phí, thuế quá cao (84%). Trong phần yêu cầu hỗ trợ của khảo sát, 100% ý kiến DN được thăm dò cho rằng cần minh bạch thông tin và chống tham nhũng. Những yêu cầu còn lại như miễn giảm, gia hạn thuế, hỗ trợ DNVVN, giảm giá thuê đất… chiếm tỷ lệ ít hơn.
Hy vọng ở Nghị quyết 02
Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cao su - nhựa TP cho biết một thông tin vừa vui vừa buồn, đó là đầu năm 2013, ngành nhựa đã có hợp đồng đến tháng 6. Đây là sự "khác biệt" đáng mừng trong lúc kinh tế khó khăn. Tuy nhiên, các DN lại không đủ nguyên liệu sản xuất vì không dám đi vay vốn. Trong khi đó, các DN cùng ngành ở Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia được vay USD với lãi suất 2-3% trong khi DN Việt Nam vay đến 7-8% nên khả năng cạnh tranh giảm sút rất lớn. Chính vì lý do này nên nhiều DN ngành dệt may, gỗ xuất khẩu đầu năm ký được nhiều hợp đồng nhưng lợi nhuận sẽ không nhiều vì giá giảm trong khi chi phí tăng cao.
Ông Văn Đức Mười cho rằng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02 rất nhanh, nhưng đã 2 tháng trôi qua vẫn chưa có kế hoạch triển khai hỗ trợ cụ thể nào được ban hành. DN vẫn trong tình trạng chờ chính sách. Cụ thể là đến nay vẫn chưa có thông tư hướng dẫn thực hiện của các bộ, ngành về thực hiện Nghị quyết 02, trừ Bộ Tài chính đã có Thông tư 16, nhưng hiệu lực phải chờ đến ngày 1-7-2013 là quá chậm.
Trong khi đó, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hồ Chí Minh Trần Thị Lệ Nga cho biết, trong giải pháp của Nghị quyết 02 về giảm chi phí của sản xuất kinh doanh liên quan về thuế, khi thực hiện có hai giai đoạn. Một là thực hiện ngay và phần còn lại phải sau ngày 1-7-2013 vì phải chờ quyết định của Quốc hội (như giảm thuế thu nhập DN, giảm thuế VAT cho nhà ở xã hội…). Trong tháng 2, Cục Thuế TP đã nhận được hàng nghìn hồ sơ về gia hạn thuế giá trị gia tăng.
Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Mạnh Hà cho biết, tuy còn khó khăn, năm 2013 đã có dấu hiệu của kinh tế vĩ mô tốt hơn năm trước như lạm phát giảm, tỷ giá ổn định. Tình hình hoạt động của DN cũng khả quan hơn, trong đó đầu tư nước ngoài từ đầu năm tăng 15% so với cùng kỳ. Tính đến cuối tháng 2, thành phố cấp đăng ký mới cho gần 3.000 DN, trong khi số giải thể khoảng 1.000 DN (cùng kỳ năm 2012 có 23.000 DN đăng ký mới, nhưng có đến 21.000 DN ngưng hoạt động, giải thể). Nhiều ngành làm ăn tốt như DN công nghệ thông tin không có ngưng hay giải thể trong 2 tháng đầu năm. Tuy nhiên, DN vẫn còn nhiều khó khăn nên thành phố đã có kiến nghị với Chính phủ đẩy nhanh thực hiện Nghị quyết 02, còn với thành phố thì những phần việc có thể thực hiện được sẽ thực hiện ngay để tạo điều kiện tốt nhất cho DN hoạt động.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.