(HNM) - Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh Châu Âu (EU) trong ngày 22 và 23-6 tại Brussels (Bỉ) diễn ra trong bầu không khí bớt áp lực hơn những cuộc gặp trước đó...
Các nhà lãnh đạo EU đạt được đồng thuận trong nhiều vấn đề quan trọng. |
Về Brexit, tuy EU từng bị sốc khi đa số cử tri Anh bỏ phiếu quyết định rời khỏi khối nhưng đến nay, các nước còn lại đã bước đầu thể hiện được sự đoàn kết và thống nhất. Việc Anh và EU chính thức khởi động đàm phán về Brexit đúng theo lịch trình ngày 19-6 cho thấy liên minh đã gạt sang một bên những lo lắng và giành thế chủ động trong quá trình đối thoại cho các vấn đề liên quan đến sự ra đi của xứ Sương mù. Vì vậy, các nước EU cho rằng Brexit chưa phải vấn đề cần ưu tiên trong hội nghị lần này. Thế nhưng, Thủ tướng Anh Theresa May cũng đã trình bày một số nguyên tắc trong chiến lược đàm phán Brexit.
Bà nhấn mạnh, Chính phủ Anh muốn tạo sự bảo đảm chắc chắn về tương lai cho khoảng 3,6 triệu công dân EU đang sinh sống tại nước này, đồng thời khẳng định tất cả công dân EU sinh sống hợp pháp tại Anh sẽ vẫn có quyền ở lại thời hậu Brexit. Nhà lãnh đạo Anh cũng cam kết sẽ đơn giản hóa mẫu hồ sơ xin định cư và đề nghị quy chế tương tự cho hơn 1 triệu công dân Anh đang sinh sống tại EU.
Theo giới phân tích, đây là lần đầu tiên bà T.May có cách tiếp cận mềm mỏng về Brexit. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng những đề xuất của Thủ tướng T.May là một "sự khởi đầu tốt". Song bà vẫn khẳng định tương lai của 27 nước thành viên EU quan trọng hơn đàm phán về sự ra đi của nước Anh. Các nhà lãnh đạo EU cũng cảnh báo London không nên kỳ vọng có thể nhanh chóng thiết lập mối quan hệ mới để tiếp tục tiếp cận thị trường chung của khối.
Đối với vấn đề chống khủng bố, bên cạnh việc lên án những vụ tấn công do các phần tử cực đoan tiến hành thời gian qua, các lãnh đạo EU tham gia hội nghị đã kêu gọi những công ty internet, công ty truyền thông, mạng xã hội thể hiện trách nhiệm cao hơn trong cuộc chiến chống khủng bố. EU cũng mong muốn các nước tiến tới đưa ra kế hoạch chung của Châu Âu về an ninh truyền thông. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Donald Tusk cho biết, EU đã xác định bảo vệ công dân sẽ là nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất trong thời gian tới. Do vậy, EC nhất trí tăng cường nỗ lực chống những chiến binh khủng bố nước ngoài và phần tử cực đoan trong lòng Châu Âu.
Cũng trong khuôn khổ hội nghị lần này, lãnh đạo các nước EU đã phê duyệt kế hoạch phòng thủ được đánh giá là tham vọng nhất trong nhiều thập kỷ qua, trong đó bao gồm một thỏa thuận vũ khí hàng tỷ euro, hỗ trợ tài chính cho các nhóm chiến đấu và xây dựng một liên minh quân sự sẵn sàng tham chiến ở nước ngoài. Theo EC, khối này sẽ chi khoảng 1,5 tỷ euro/năm cho việc nghiên cứu và mua sắm trang bị quân sự. Nếu nhận được sự nhất trí cao, mức chi có thể tăng lên tới 5,5 tỷ euro/năm kể từ sau năm 2020 với nguyên tắc vũ khí quốc gia nào đầu tư vẫn sẽ thuộc quyền sở hữu của quốc gia đó. Theo giới chuyên môn, quyết định lần này của EU đã thể hiện được sự đồng thuận sau nhiều năm chia rẽ trong vấn đề quân sự. Đây được xem là hệ quả trực tiếp của nhiều yếu tố, từ sự ra đi của Anh với cương vị quốc gia đóng vai trò cốt yếu trong năng lực phòng thủ của EU, những thúc giục từ phía Mỹ đến căng thẳng EU - Nga đang dần leo thang trở lại.
Nhìn chung, Hội nghị Thượng đỉnh lần này đã cho thấy sự đoàn kết của các nước thành viên EU nhằm đối mặt với hàng loạt thách thức mới. Liên minh cũng đã thể hiện sự tự tin trong việc giải quyết các vấn đề nổi cộm trong điều kiện xu hướng dân tộc chủ nghĩa dần bị đẩy lui và sự phục hồi kinh tế của các nước thành viên đang mạnh mẽ hơn. Đây là tiền đề quan trọng cho những quyết định mới mang tính bước ngoặt đối với nền kinh tế với hơn 500 triệu dân này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.