(HNM) - 74 năm trước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, bằng sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Cách mạng Tháng Tám đã thành công, lập nên chính thể Dân chủ Cộng hòa, đưa dân tộc Việt Nam tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do. Sức mạnh vô địch ấy nay vẫn tiếp tục được hun đúc, trở thành động lực cho đất nước tiến lên, sánh vai với các cường quốc năm châu như di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lãnh đạo toàn dân tộc tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền, Bác đã khuyên mọi người “xin nhớ chữ đồng”. Tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc xoay quanh một chữ “đồng” - đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh - thể hiện trí tuệ, nét sáng tạo đặc sắc của Bác. Theo Người, cách mạng Việt Nam là dân tộc cách mạng nên chưa thể phân giai cấp, không thể là “công nông liên hiệp” kiểu cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, mà phải tập hợp đồng bào: Các bậc phụ huynh; các bậc chí sĩ, phú hào yêu nước, thương nòi; các bạn công, nông, binh, thanh niên, phụ nữ, công chức, tiểu thương. Trong Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh thức tỉnh lòng yêu nước, không cô độc, hẹp hòi kiểu “giai cấp chống giai cấp” mà khẳng định và nhấn mạnh: Dân tộc chống xâm lược; dân tộc trên hết, Tổ quốc trên hết.
Xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, vượt qua tư tưởng giáo điều, để Mặt trận Việt Minh thật sự mang hồn dân tộc và quy tụ toàn dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khai thác điểm chung, nét tương đồng của con người Việt Nam, trong đó điểm mấu chốt là giải quyết thành công vấn đề lợi ích, trên cơ sở thống nhất lợi ích tối cao của dân tộc và lợi ích của nhân dân; chú trọng cả lợi ích chính đáng của cá nhân với mục tiêu độc lập, tự do. Người xác định quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc.
Để đoàn kết được toàn dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta yêu cầu mỗi đảng viên phải biết và dám hy sinh lợi ích cá nhân, hết lòng hết sức phụng sự cách mạng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân; phải “chí công vô tư”. Nhấn mạnh Đảng phải “chí công vô tư” là một tư tưởng lớn của Hồ Chí Minh, nhờ đó Đảng đã quy tụ được sức mạnh toàn dân tộc. Vì thế, chỉ với 15 tuổi đời và hơn 5.000 đảng viên, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân làm nên thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám.
Sự đoàn kết của nhân dân là một lực lượng vô địch
74 năm trôi qua từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, nhưng bài học về đại đoàn kết toàn dân tộc và sức mạnh của lòng dân, sức dân vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng sự nghiệp đổi mới đất nước. Vấn đề lo lắng hiện nay là bốn nguy cơ Đảng ta chỉ ra vẫn tồn tại. Trong đó, đáng chú ý nhất là nguy cơ từ bên trong, nổi lên là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí nghiêm trọng, diễn biến tinh vi, phức tạp; khoảng cách giàu - nghèo, đạo đức xã hội xuống cấp, làm giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước.
Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và dân tộc ta. Lịch sử dân tộc đã rút ra bài học: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại, lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị ngoại bang xâm lấn. Lòng yêu nước và sự đoàn kết của nhân dân ta là một lực lượng vô địch, không ai thắng nổi. Trong cách mạng và kháng chiến, có lúc việc lớn chưa thành, không phải vì thực dân, đế quốc quá mạnh, mà vì cơ hội chưa chín và dân ta chưa hiệp lực đồng tâm. Sở dĩ cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi là nhờ toàn dân ta đoàn kết một lòng, tin tưởng vào tiền đồ của cách mạng, của kháng chiến do Đảng lãnh đạo. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Yêu cầu đặt ra hiện nay đối với Đảng là “các đồng chí, từ Trung ương đến các chi bộ, cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Đảng phải luôn coi đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực, nguồn lực to lớn trong công cuộc đổi mới và hội nhập. Kế thừa và phát huy tinh thần, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám, hiện nay phải phát huy mạnh mẽ mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng.
Như Bác Hồ đã chỉ bảo, đoàn kết là phải tránh cô độc, hẹp hòi. Muốn vậy, không được “độc quyền chân lý”, mà phải tôn trọng những điểm khác biệt, không trái với lợi ích quốc gia - dân tộc. Đặc biệt là phải khơi dậy, đề cao tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước; quán triệt và làm theo lời Người dặn lại trong Di chúc: Phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân.
Nhận thức và thống nhất thực hiện như vậy là hợp lòng dân. Mà như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Cần khẳng định ta làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả”.
“Xin nhớ chữ đồng”
Giá trị hàng đầu trong bảng thang văn hóa Việt Nam là lòng yêu nước. Tính cộng đồng của dân tộc Việt Nam đạt tới đỉnh cao nhất là hai tiếng “Đồng bào”. Đây chính là hạt nhân, cốt lõi của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi Bác chỉ dẫn: “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam” là nói đến tổ tiên Hồng Bàng, là nói đến “đồng bào”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.