(HNM) - Phản ánh đến Báo Hànộimới, người dân ở khu vực phường Thanh Lương cho biết, thời gian gần đây, tại khu vực Cảng Hà Nội (phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng) xuất hiện nhiều kho bãi trái phép tập kết hàng hóa và kinh doanh.
Phế thải đổ ở ngay sát cầu Cảng Hà Nội. |
Theo tìm hiểu của phóng viên, các công trình thuộc hạ tầng của Cảng Hà Nội đã xuống cấp, hiện chỉ khai thác được một phần nhỏ bằng việc vận chuyển xi măng, còn lại là hoạt động bốc dỡ cát, sỏi và chủ yếu diễn ra vào ban đêm. Hàng loạt máy móc cẩu, băng chuyền… do lâu ngày không sử dụng đã hoen gỉ, nằm ngổn ngang bên bờ sông. Trước đây, theo thiết kế, các kho bãi tại Cảng Hà Nội được dựng lên với mục đích chứa hàng hóa nội địa vào khu vực cảng, thì đến nay hầu hết đã được các doanh nghiệp tư nhân thuê lại làm kho hàng trung gian để phân phối hàng hóa tại Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Người dân cho biết, thời gian gần đây, tại các khu vực tiếp giáp với cầu cảng, nơi các doanh nghiệp, tư nhân thuê làm kho bãi, đã xuất hiện nhiều bãi phế thải lớn lấn ra lòng sông Hồng. Đặc biệt vào ban đêm, xe tải chở đất, cát… chạy rầm rầm rồi trút xuống sông, vậy nhưng không hiểu vì sao cơ quan chức năng và chính quyền sở tại không có biện pháp xử lý? Hầu hết các doanh nghiệp, tư nhân sau khi thuê đất tại khu vực Cảng Hà Nội đều cho quây kín phía ngoài đường Bạch Đằng, nhưng từ trên cầu Vĩnh Tuy nhìn xuống, phóng viên thấy có ít nhất 5 bãi phế thải lớn ngay ở nơi dành cho tàu thuyền cập bến. Các đống phế thải này có trữ lượng hàng trăm, thậm chí lên đến hàng nghìn tấn. Nhiều nơi trong địa phận Cảng Hà Nội quản lý, cây cối dọc hai bờ sông được chặt phá nhường chỗ cho đổ phế thải xây dựng.
Trao đổi với ông Bùi Quang Khải, Chủ tịch UBND phường Thanh Lương, về tình trạng phế thải ở khu vực Cảng Hà Nội “bức tử” sông Hồng, ông Khải cho biết, toàn bộ khu vực đất tiếp giáp với sông Hồng ở khu vực Cảng Hà Nội đều bị bịt kín bằng tôn phía đường Bạch Đằng nên nếu xảy ra tình trạng đổ phế thải lấn sông Hồng rất khó kiểm tra, phát hiện. Sau khi được PV Báo Hànộimới cung cấp thêm thông tin, ông Khải đã cử cán bộ xuống kiểm tra và phát hiện có hiện tượng người dân đổ trộm phế thải vào ban đêm ở khu vực này. UBND phường sẽ giao cho lực lượng chức năng mật phục, kiểm tra, xử lý các trường hợp đổ phế thải trái phép...
Thiết nghĩ, các địa điểm theo lời lãnh đạo UBND phường Thanh Lương có hiện tượng đổ trộm phế thải đều gần khu vực cầu cảng và được rào bằng tôn nên việc ra vào không phải dễ dàng. Vậy tại sao hàng nghìn tấn phế thải vẫn được đổ xuống lòng sông, thậm chí ở một số điểm còn được san phẳng để tập kết máy móc, xe chuyên dụng? Phải chăng, có sự “tiếp sức” của các doanh nghiệp muốn mở rộng mặt bằng để làm nơi tập kết hàng hóa kinh doanh? Hơn nữa, khu vực này hiện do Cảng Hà Nội quản lý, vậy trách nhiệm của đơn vị này ở đâu? Rõ ràng, nếu tình trạng đổ rác thải, vật liệu xây dựng xuống ven sông Hồng ở khu vực Cảng Hà Nội không được ngăn chặn, xử lý kịp thời, chẳng mấy chốc khu vực cầu cảng sẽ biến thành bãi bồi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.