Bạn đọc

Xây dựng cổng chào: Cần một quy chuẩn nhất định

Thiện Mỹ 02/12/2024 - 07:01

Vùng ngoại thành Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, ở mỗi làng, xóm thường có cổng chào. Quá trình đô thị hóa, cổng chào đang có những thay đổi nhất định để đáp ứng điều kiện thực tiễn, nhất là an toàn về giao thông và phòng cháy, chữa cháy.

Điều này cho thấy, cần thiết phải có những định hướng, quy chuẩn nhất định để đạt sự đồng thuận trong nhân dân và bảo đảm an toàn trong mọi tình huống.

cong-chao.jpg
Cổng chào ở xã Xuy Xá, huyện Mỹ Đức.

Phát sinh ý kiến trái chiều

Cổng chào thuộc 2 giáo khu Thánh Phi-Líp-Phê và Thánh Gia-Cô-Bê (thôn Nghĩa, xã Xuy Xá, huyện Mỹ Đức) được dựng lên trong niềm vui của nhiều hộ dân trong thôn. Cổng chào dựng đơn giản, vật liệu bằng thép, trụ cột nằm trên đường làng, tiếp giáp trục đường chính của xã, cao 5,3m, rộng 5,2m; trên cổng ghi tên giáo khu. Quá trình xây dựng cổng đã có ý kiến phản đối khi cho rằng hai cột trụ cổng có kích thước lớn, nằm trên đường giao thông khiến mặt đường bị thu hẹp, che khuất tầm nhìn của người đi đường, ảnh hưởng đến an toàn giao thông… Một số người dân có đơn còn cho rằng, việc xây dựng biển hiệu, bảng quảng cáo kết cấu khung kim loại lấn chiếm phạm vi sử dụng cho đường bộ không có giấy phép là vi phạm pháp luật…

Ngược lại, người dân giáo khu lại có đơn gửi UBND xã Xuy Xá đề nghị được nhanh chóng hoàn thiện cổng chào để tạo điều kiện cho giáo khu được trang trí, tuyên truyền vào những ngày lễ, Tết. Thậm chí, trưởng thôn Nghĩa còn đại diện các hộ dân giáo khu có văn bản cam kết, trường hợp cơ quan chức năng giải tỏa để phục vụ nhiệm vụ của Nhà nước, thôn và giáo khu sẽ tự giác tháo dỡ trả lại mặt bằng, không đòi hỏi đền bù...

Ngay khi việc dựng cổng chào có đơn thư, UBND xã Xuy Xá đã gửi văn bản đến Phòng Văn hóa và Thông tin, Phòng Quản lý đô thị huyện Mỹ Đức xin ý kiến. Qua kiểm tra thực tế, Phòng Văn hóa và Thông tin cho rằng, đây không phải công trình lắp dựng bảng quảng cáo hay biển hiệu nên không áp dụng quy định của Luật Quảng cáo để cấp phép xây dựng hay xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.

Còn Phòng Quản lý đô thị huyện Mỹ Đức thì nhất trí với đề xuất xây dựng cổng chào vì đây là công trình chung của 2 khu dân cư. Công trình kết cấu khung thép đơn giản, dễ lắp dựng và tháo dỡ, không làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy. Mục đích của cổng chào nhằm nhận diện 2 khu dân cư, tạo cảnh quan khu vực nông thôn, trang trí và treo các khẩu hiệu phục vụ sự kiện, ngày lễ, hội của địa phương và khu công giáo. Tuyến đường có cổng chào thuộc phân cấp quản lý của cấp xã, Phòng Quản lý đô thị huyện đề nghị UBND xã Xuy Xá chấp thuận cho 2 giáo khu lắp dựng cổng chào.

Hoàn thiện hơn cho mỗi khu dân cư

Từ sự việc dựng cổng chào ở thôn Nghĩa (xã Xuy Xá, huyện Mỹ Đức), mở rộng vấn đề cổng chào trên địa bàn thành phố Hà Nội mới thấy sự muôn hình vạn trạng. Thực tế, cổng chào có ở nhiều khu dân cư và được làm bằng nhiều vật liệu khác nhau với hình thức, kích thước mỗi nơi một khác. Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) Mai Văn Ngần cho biết, xã có 6 cổng chào và 1 cổng làng. Các cổng chào được làm bằng khung thép. Khi các thôn, xóm làm cổng chào đều xin ý kiến UBND xã về mẫu, chiều cao, chiều rộng và chất liệu làm cổng. Khi xây dựng, các thôn đều lập dự trù kinh phí, lấy ý kiến người dân và đều đồng thuận trong xã hội hóa kinh phí lắp dựng cổng. Dù không có quy chuẩn lắp dựng cổng chào, song xã vẫn hướng dẫn các thôn, xóm làm phù hợp cảnh quan thực tiễn, không ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông...

Trong khi đó, dọc đường thôn Đại Áng (xã Đại Áng, huyện Thanh Trì), đầu mỗi ngõ xóm đều dựng cổng chào, hình thức rất đơn giản, thậm chí có phần sơ sài... Do các ngõ hẹp nên các cổng chào cũng hẹp, thấp. Nếu khu dân cư xảy ra sự cố cháy nổ thì phương tiện phòng cháy, chữa cháy chuyên nghiệp rất khó tiếp cận bởi không thể qua được những... cổng chào này.

Chủ tịch UBND xã Đại Áng Nguyễn Xuân Thọ cho biết, các cổng chào phần lớn là tự phát, do người dân lắp dựng bằng nguồn xã hội hóa. Với nỗi lo cháy, nổ hiện nay, các cổng chào có thể trở thành rào cản khi có sự cố trong khu dân cư. Hiện tại, chưa có đánh giá nào để đo mức độ mất an toàn của các cổng chào. Thời gian tới, xã sẽ rà soát, tổng hợp và báo cáo cơ quan chức năng về vấn đề này.

Còn trên địa bàn xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm), Phó Chủ tịch UBND xã Phù Đổng Nguyễn Văn Tài chia sẻ, xã có 2 cổng làng và 1 cổng chào. Các cổng tuy xây dựng đã lâu, nhưng cơ bản đều bảo đảm an toàn giao thông và phòng, chống cháy, nổ... Các công trình có chiều sâu văn hóa kiến trúc, là dấu ấn của làng quê, được nhân dân đồng tình ủng hộ, đặc biệt trong công tác xã hội hóa kinh phí xây dựng.

Thiết nghĩ, với sự phát triển của xã hội hiện nay, ngoài yếu tố về văn hóa, nên chăng cần có quy chuẩn về chiều rộng, chiều cao, hệ thống chống sét cho cổng chào. Điều này nhằm tránh việc hướng dẫn cảm tính, thiếu căn cứ khoa học, góp phần hoàn thiện hơn cho mỗi khu dân cư trước đòi hỏi mới của thực tiễn hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng cổng chào: Cần một quy chuẩn nhất định

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.