Góc nhìn

Đó là việc hằng ngày

Hoàng Lê 03/03/2024 - 06:27

Ngày 19-2-2024, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” (gọi tắt là Chỉ thị 30), nêu rõ rằng lịch sử hơn 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội hun đúc nên giá trị cốt cách người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Nét thanh lịch ấy thể hiện qua lối sống, sinh hoạt gia đình và cộng đồng, trong giao tiếp, ứng xử giữa người với người, qua cách ứng xử với môi trường tự nhiên và xã hội...

Thuộc số người quan tâm tới Chỉ thị quan trọng, cần thiết và kịp thời này, cá nhân người viết ấn tượng hơn cả với hai trong số nhiều vấn đề được nêu trong đó. Thứ nhất, đó là sự nhìn nhận thẳng thắn của Ban Thường vụ Thành ủy, rằng “So với yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa đi vào thực chất, bền vững, còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế…”.

Thứ hai, ngoài việc yêu cầu các cơ quan thuộc HĐND, UBND Thành phố thể chế hóa trách nhiệm, tăng cường đôn đốc, giám sát, cụ thể hóa các tiêu chí xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh phù hợp với bối cảnh mới, gắn với xây dựng các phong trào văn hóa và danh hiệu văn hóa..., Chỉ thị yêu cầu “Cấp ủy và hệ thống chính trị cơ sở kiên trì vận động, hướng dẫn các khu dân cư, các gia đình tự giác thực hiện Chỉ thị; xây dựng, nhân rộng các mô hình “Khu dân cư văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”, “Gia đình văn hóa”…

Nhìn thẳng vào sự thật để nêu rõ hạn chế; xác định trách nhiệm của cấp ủy và hệ thống chính trị cơ sở vốn là nơi gần dân nhất, hiểu rõ tồn tại, hạn chế là do đâu, cần phải làm gì để khắc phục những gì còn yếu kém… Chỉ có minh bạch như thế thì mới mong đạt được yêu cầu “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm” đối với từng người, từng cấp, từng cơ quan, đơn vị trước sự thành bại của một phần việc lớn, rất quan trọng.

Lâu nay, Hà Nội xác định xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là phần việc lâu dài, đòi hỏi tinh thần bền bỉ, kiên nhẫn. Tuy nhiên, đó cũng là phần việc mà hiệu quả phụ thuộc vào sự cố gắng hằng ngày, một cách thực chất, phụ thuộc vào tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng vị trí trong hệ thống chính trị cũng như sự thấu hiểu của nhân dân về “thanh lịch, văn minh”. Đó không phải là điều quá to tát hay khó hiểu, mà ẩn hiện trong công việc và cuộc sống thường ngày, gắn liền với những phần việc như xây dựng đời sống văn hóa, xác định danh hiệu “Tổ dân phố văn hóa”, “Gia đình văn hóa”… và trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở, tổ dân phố chứ không tách rời.

Trong thực tế, có khá nhiều việc cho thấy chính quyền và tổ chức Đảng ở cơ sở chưa sát sao với phần việc nói trên. Ví dụ, chúng ta dễ dàng nghe thấy tiếng loa đài rất to giữa đêm khuya ở đâu đó, nhưng không dễ thấy sự can thiệp kịp thời của chính quyền cơ sở, tổ dân phố trước loại hành vi chắc chắn là “vô thanh lịch, vô văn minh” này. Một gia đình ở chung cư thường xuyên bị tra tấn bởi tiếng ồn từ hàng xóm, đã nêu vấn đề trong group zalo của cả tòa nhà có sự tham gia của đại diện ban quản lý, tổ trưởng tổ dân phố, gặp trực tiếp Bí thư chi bộ tổ dân phố để nêu kiến nghị, nhưng vẫn phải “mất ăn mất ngủ” trong nhiều năm, cuối cùng chọn giải pháp tiêu cực là cũng gõ loạn xạ “để hàng xóm thấm thía nỗi khổ vì tiếng ồn”…

Chỉ thị 30 là văn bản mang tính định hướng, là nền tảng để hệ thống chính trị các cấp và nhân dân tham gia hiệu quả vào phần việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Các cơ sở Đảng, chính quyền và đoàn thể cơ sở có nhiệm vụ triển khai hành động theo định hướng đúng đó chứ không phải quán triệt, giới thiệu nội dung Chỉ thị 30 tới nhân dân xong là có thể buông lỏng trách nhiệm giám sát, kiểm tra, đôn đốc, xử lý.

Nét ứng xử thanh lịch, văn minh không phải tự nhiên mà có, cần thông qua bồi dưỡng, rèn luyện hằng ngày trong môi trường gia đình, xã hội văn minh, nhiều khi nhờ được chấn chỉnh kịp thời, thậm chí là bị xử phạt mà hình thành thói quen tôn trọng lợi ích của cộng đồng - một trong số rất nhiều yếu tố cần có để được coi là người văn minh. Nếu hệ thống chính trị cơ sở có nhiều người không thấm nhuần quan niệm đúng đắn về trách nhiệm công vụ, trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm công dân thì phong trào xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, mô hình “Gia đình văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” không thể nào đạt được hiệu quả thực chất. Mà như thế tức là không hoàn thành yêu cầu mà Ban Thường vụ Thành ủy đã nêu rõ.

Nếu hằng ngày mỗi người không làm tốt việc được giao thì Thủ đô sẽ đối diện với nguy cơ phải "bền bỉ mãi mãi" với một phần việc cấp thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đó là việc hằng ngày

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.