Theo dõi Báo Hànộimới trên

Do áp lực học tập

Thu Trang| 13/11/2017 06:28

(HNM) - Hiện tượng trẻ bị trầm cảm, lo âu, rối loạn cảm xúc… vì áp lực học tập đang có chiều hướng gia tăng. Nếu không biết để điều trị sớm, những trẻ này có thể mắc bệnh lý về sức khỏe tâm thần trong tương lai.

Hậu quả khôn lường

Tỷ lệ trẻ đến khám và điều trị tại Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) đang gia tăng. Chỉ trong vòng 1 tuần gần đây, bệnh viện đã tiếp nhận 6 học sinh vào điều trị do bị rối loạn cảm xúc, lo âu, kết quả học tập giảm sút. Nguyên nhân do áp lực học tập đè nặng lên tâm lý trẻ. Điều đáng nói là một số gia đình giàu có hoặc bố mẹ thành đạt thường không tin con có biểu hiện tâm lý không bình thường. Vì vậy, họ thường đưa con đến khám, điều trị muộn.

Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần trao đổi với mẹ con bệnh nhi bị rối loạn tâm thần do áp lực học tập.


Từ một đứa trẻ thông minh, học giỏi nhưng do việc học tập căng thẳng, nữ sinh Thu H. (16 tuổi, ở Hà Nội) rơi vào trạng thái chán nản, mệt mỏi. Trạng thái này tăng dần, nhất là mỗi khi chuẩn bị bước vào kỳ thi. Thậm chí, nhiều lúc bước vào lớp học hoặc cầm sách vở là H. lại khóc lóc, tỏ ra sợ hãi. Bố của H. tuy là bác sĩ, nhưng không tin con mình có biểu hiện tâm lý không bình thường. Chỉ đến khi thấy bệnh của H. mỗi lúc một nặng hơn, gia đình mới quyết định đưa đến bệnh viện. Do nhập viện muộn nên việc điều trị của H. phải kéo dài.

Tương tự, nam sinh Quang Đ. (15 tuổi, ở Bắc Giang) phải nhập viện sau một thời gian dài mất ngủ, sống khép kín, không tiếp xúc với mọi người. Mẹ của Đ. kể, từ khi sinh ra, sức khỏe của con mình luôn rất tốt. Suốt 3 năm học (từ lớp 6 đến lớp 8), Quang Đ. giành giải Nhì và giải Ba môn toán cấp tỉnh. Đến năm lớp 9, Đ. cũng tham gia đội tuyển toán của trường. Sau đó, do chịu áp lực học tập căng thẳng, Đ. bắt đầu có biểu hiện mất ngủ, sống khép mình, năng lực học tập giảm sút. Điều đáng nói là biểu hiện rối loạn cảm xúc của Đ. kéo dài đến 2 năm thì gia đình mới đưa em đến bệnh viện…

Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, ở tuổi dưới 22, sự phát triển cơ thể cũng như tinh thần của con người chưa hoàn thiện. Ở độ tuổi này, con người rất dễ bị tác động về mặt tinh thần, cảm xúc và hành vi dễ thay đổi bởi các tác nhân gây nên stress. Bên cạnh những trường hợp chịu áp lực từ bố mẹ, thầy cô giáo, xã hội…, một số trẻ bị rối loạn cảm xúc bởi áp lực do chính mình tạo ra.

“Các em luôn ở trong trạng thái học tập căng thẳng, lo sợ thi không đỗ, thua kém bạn bè. Nhiều em không biết sắp xếp thời gian học tập và nghỉ ngơi hợp lý, thường xuyên chơi game, vào mạng internet, gần đến ngày thi mới học dồn, học ngày học đêm nên không đủ thời gian nghỉ ngơi. Có em chỉ ngủ 2-3 giờ/ ngày. Để đối phó với việc thức đêm, một số lạm dụng cà phê, trà đặc, không chú ý đến việc bổ sung dinh dưỡng phù hợp. Điều đó gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm thần”, bác sĩ Nguyễn Văn Dũng nói.

Cha mẹ phải là bác sĩ của con

Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng cho biết thêm, ở tuổi đang phát triển thể trạng và tâm sinh lý, trẻ cần được ngủ đầy đủ, khoa học. Cụ thể, trẻ lớn phải ngủ đủ 7 giờ/ngày, trẻ nhỏ ngủ khoảng 10 giờ/ngày. Bên cạnh đó, trẻ cũng cần dành thời gian để chơi, đặc biệt là các trò chơi vận động. Thời gian học cả ở trường, ở nhà và học thêm không được vượt quá 12 giờ/ngày. Tuy nhiên, việc theo dõi các trường hợp bị rối loạn tâm thần và phải nhập viện cho thấy có học sinh ngủ rất ít, nhất là vào mùa thi. Chính vì vậy, cứ sau mỗi kỳ thi, số trẻ có biểu hiện run chân tay, rối loạn cảm xúc lại gia tăng.

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, chứng rối loạn cảm xúc có thể được chữa khỏi, nhưng trẻ cần được đưa đến bệnh viện khám và điều trị càng sớm càng tốt. Nếu không được điều trị, những trẻ này có thể mắc bệnh lý về sức khỏe tâm thần trong tương lai. Nếu bệnh mới ở giai đoạn đầu và được can thiệp kịp thời thì trẻ chỉ cần được nghỉ ngơi, giảm các tác nhân gây sức ép là có thể khỏi bệnh gần như hoàn toàn. Nếu bệnh nặng hơn, trẻ cần được dùng thuốc điều trị, hỗ trợ tâm lý, thời gian nằm viện có thể từ 2 đến 3 tháng. Việc điều trị hiệu quả hay không phụ thuộc rất lớn vào việc phát hiện bệnh sớm.

Do đó, cha mẹ nên hiểu hơn về tâm sinh lý của con. Khi thấy con có biểu hiện mệt mỏi, tính tình thay đổi, hay cáu kỉnh, kết quả học tập giảm sút, hay thức đêm... thì nên đưa đến bác sĩ chuyên khoa để khám. Cha mẹ tuyệt đối không được tự ý cho con uống các loại thuốc bổ não hoặc uống thuốc không theo chỉ định của bác sĩ.

Để trẻ không phải chịu áp lực học hành, chuyên gia tâm lý Phạm Hiền khuyến cáo, cha mẹ cần đóng vai trò bác sĩ của con bằng cách tạo cho con môi trường học tập, vui chơi thoải mái và hợp lý. Đặc biệt, trước mỗi kỳ thi, phụ huynh nên dành thời gian trao đổi để con hiểu kết quả không quan trọng bằng việc con đã cố gắng như thế nào. Cha mẹ cũng phải nhìn nhận đúng năng lực và sở trường của con mình, từ đó động viên, khuyến khích các con học, tránh tạo áp lực cho trẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Do áp lực học tập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.