Theo dõi Báo Hànộimới trên

Định vị thương hiệu du lịch Thủ đô

Duy Biên| 08/09/2018 06:12

(HNM) - Trong 6 tháng đầu năm 2018, lượng khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt hơn 3 triệu lượt, tăng xấp xỉ 26% so với cùng kỳ năm trước. Rõ ràng, đây là con số ấn tượng về sự tăng trưởng của ngành công nghiệp “không khói” của Thủ đô.


Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, các nước trong khu vực tìm nhiều cách để thu hút khách du lịch, không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội đạt được lượng khách quốc tế khả quan như vậy. Điều đó cho thấy, Hà Nội thực sự độc đáo và có sức cuốn hút du khách. Những cảm nhận của du khách được tạo nên từ những giá trị văn hóa của Hà Nội. Bề dày văn hóa với hàng nghìn năm lịch sử đã tạo nên những di sản văn hóa phi vật thể và những di sản kiến trúc độc đáo. Từng con đường, góc phố đều có thể tìm thấy dấu ấn xưa, những câu chuyện cũ. Đặc biệt, điều cần nhất đối với du khách chính là cảm giác an toàn và bình yên. Một cảm giác mà nhiều khi du khách không dễ tìm được ở những thành phố xa hoa lộng lẫy.

Tuy nhiên, điều đó cũng chưa đủ. Lượng khách quốc tế đến Hà Nội có mức tăng trưởng cao còn do công tác quy hoạch và đầu tư phát triển sản phẩm du lịch của thành phố ngày càng được đầu tư tập trung hơn. Sản phẩm du lịch được chú trọng về chất và lượng, từng bước xã hội hóa, đa dạng hóa hình thức đầu tư, thu hút ngày càng nhiều nguồn vốn để phát triển. Mặc dù còn khó khăn, du lịch Thủ đô vẫn chủ động triển khai giải pháp để giữ vững vị trí hàng đầu trong những điểm du lịch hấp dẫn. Trong đó có việc tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch với nhiều nước trên thế giới.

Minh chứng rõ nhất là việc tham gia mạng lưới trao đổi, hợp tác giữa 10 thành phố thành viên Hội đồng Xúc tiến du lịch châu Á gồm Tokyo (Nhật Bản), Kuala Lumpur (Malaysia), Jakarta (Indonesia), Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc), Metropolitan Manila (Philippines), Hà Nội (Việt Nam), Seoul (Hàn Quốc), New Delhi (Ấn Độ), Bangkok (Thái Lan), Tomsk (Nga). Thông qua việc hợp tác, trao đổi, hàng chục triệu dân của mạng lưới này sẽ là nguồn khách khổng lồ để các thành phố thành viên tìm cách khai thác. Hiện, Hà Nội vẫn còn nhiều dư địa để thu hút du khách quốc tế, nên vấn đề đặt ra là làm thế nào để tạo được thương hiệu uy tín hơn về du lịch?

Một trong những điểm yếu của du lịch Thủ đô là cách làm chưa chuyên nghiệp, dịch vụ giải trí kém hấp dẫn... Để khắc phục vấn đề này, cơ quan quản lý cần quy hoạch sắp xếp và xây dựng các cơ sở dịch vụ: Khách sạn, y tế, ăn uống, vui chơi giải trí…; quản lý chặt chẽ các loại dịch vụ, phí dịch vụ; nâng cao ý thức phục vụ trong kinh doanh, tránh làm mất giá trị văn hóa truyền thống của Hà Nội.

Cùng với đó là phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, nhất là các chuỗi liên kết và dịch vụ, đáp ứng các bộ tiêu chuẩn du lịch quốc tế, đi đôi với bảo tồn, phát huy vai trò các vùng di tích lịch sử, các điểm đến và khu du lịch để đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao sức hấp dẫn, thu hút khách. Đặc biệt là đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch theo hướng chuyên nghiệp, gắn với xây dựng hình ảnh và thương hiệu, nhận diện du lịch của Thủ đô có chiều sâu và tầm cao...

Ngoài ra, ngành Du lịch Hà Nội cần sớm hoàn thiện hệ thống chính sách và các cơ chế quản lý về phát triển nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy công tác phát triển nguồn nhân lực du lịch, bảo đảm thống nhất, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập.

Khi thương hiệu du lịch Thủ đô được định vị chắc chắn, công tác xúc tiến du lịch nói chung và trong mạng lưới xúc tiến của 10 thành phố châu Á nói riêng sẽ càng hiệu quả; du khách trên thế giới sẽ tìm đến Hà Nội như một địa chỉ du lịch tin cậy, thú vị, an toàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Định vị thương hiệu du lịch Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.